Tâm sự: Cơ hội cho sinh viên nước ngoài làm việc tại Đức và thu nhập liệu có đủ để chi trả hàng tháng ?

Phải đến một nửa sinh viên Việt Nam tại Đức đều là những cô bé cậu bé lần đầu tiên tự chủ về tài chính. Những bạn còn lại, dù có nhiều cơ hội va chạm hơn với các công việc làm thêm từ khi còn ở Việt Nam, cũng rất có thể chưa từng tự mình chi trả và lo lắng tất cả các mục trong cuộc sống mà không có một sự trợ giúp nào từ gia đình (cho dù là về mặt tinh thần, hay tài chính dù ít hay nhiều).

132 1 Tam Su Co Hoi Cho Sinh Vien Nuoc Ngoai Lam Viec Tai Duc Va Thu Nhap Lieu Co Du De Chi Tra Hang Thang

Ảnh minh họa

Từ khi sang Đức, tớ ít khi, hoặc hãn hữu lắm mới thấy có bạn muốn nhận được sự trợ giúp của gia đình về mặt tiền nong. Chúng mình, ít nhiều gì, cũng đều có chung một suy nghĩ nhất định: việc chênh lệch giá của đồng Euro và VND, cũng như thu nhập và giá cả của 2 nước là quá khác nhau, dẫn đến sự trợ giúp của gia đình trở nên kém ý nghĩa, nghĩa là gia đình vẫn phải cố gắng dành dụm từng đồng, nhưng lại không thể giải quyết tất cả những vấn đề của con cái tại Đức, để chúng ta có thể toàn tâm toàn ý quan tâm đến chuyện học hành.

Nhưng khoản ấy không phải là tất cả. Du học sinh Đức, cũng như tất cả những du học sinh các nước phát triển khác trên toàn thế giới, nhận thấy được cơ hội của mình. Mindeslohn-“mức lương tối thiểu” dành cho chúng ta đã lên tới 8,94 Euro/tiếng (và đang có dự thảo là sẽ lên 9,5 Euro vào năm 2019) luôn là cơ hội dành cho mỗi chúng ta. Và mặc dù đối với Aushilfe- nghĩa là công việc làm ít giờ hơn cả bán thời gian, dành cho học sinh, sinh viên vẫn giới hạn chỉ làm dưới 450 Euro ở gần một nửa những nơi nhận công việc, thì những cơ hội khác dành cho sinh viên với mức thu nhập cao hơn vẫn rất nhiều.

Bản thân tớ, cũng đã làm qua nhiều nghề, từ làm bếp cho đến bán hàng, từ làm bồi cho đến dạy học…. và mặc dù cũng đã trải qua rất nhiều mức lương khác nhau, tuy nhiên cuộc sống đến bây giờ có thể nói là vẫn luôn ổn định. Sự hỗ trợ dành cho sinh viên (trợ giá, thẻ sinh viên thay vé tàu, xe…) của nhà nước Đức lúc nào cũng rất đáng ghi nhận, và với việc sinh viên chúng mình được miễn thuế hoàn toàn 100%, các địa điểm nhận công việc luôn luôn chào đón tất cả chúng mình.

VẬY ĐIỀU KIỆN ĐỂ CHÚNG MÌNH CÓ ĐƯỢC MỘT CUỘC SỐNG ỔN ĐỊNH TÀI CHÍNH BẰNG CHÍNH SỨC MÌNH LÀ GÌ?

132 2 Tam Su Co Hoi Cho Sinh Vien Nuoc Ngoai Lam Viec Tai Duc Va Thu Nhap Lieu Co Du De Chi Tra Hang Thang

Đầu tiên, lúc nào cũng là tiếng Đức các cậu ạ. Tớ đã nói đi nói lại điều này không biết bao nhiêu lần, và vẫn sẽ nói nhiều lần nữa, rằng ngôn ngữ, không phải là tất cả, nhưng là chiếc chìa khoá để các cậu mở ra những cánh cửa cơ hội ở trên đất nước ưa chuộng tài năng này. Người Việt mình rất chăm chỉ, chịu khó và hoà đồng, vậy nên hãy cố gắng nắm giữ cả chiếc chìa khoá ấy nữa nhé.

Nhưng, cũng như tớ đã nói ở trên, ngôn ngữ không phải là tất cả. Chúng ta phải thay đổi cả cách suy nghĩ của chính bản thân mình. Áp lực công việc dành cho tất cả mọi người ở một đất nước ưa chuộng sự hoàn hảo, và nó khiến cho những người chịu trách nhiệm với các cậu, có thể là chủ, là quản lý, hay đơn giản là những đồng nghiệp làm cùng trở nên thực sự khó tính với các cậu. Một vài người, khi không chịu nổi được áp lực công việc, lựa chọn cho mình những công việc nhỏ hơn, nhưng ít cơ hội hơn, và đương nhiên là thu nhập không thể đủ trang trải cuộc sống. Nhưng nếu có thể bỏ qua những mặc cảm và cái tôi của chính bản thân mình, và nhìn thẳng vào sự thật là công việc với thu nhập tốt luôn luôn đòi hỏi cao với độ chính xác đến khó chịu, các cậu thậm chí có thể có những công việc, trong lúc học với một mức thu nhập cao hơn cả chi phí hàng tháng của mình.

BÀI TOÁN TÀI CHÍNH CỤ THỂ LÀ NHƯ THẾ NÀO?

132 3 Tam Su Co Hoi Cho Sinh Vien Nuoc Ngoai Lam Viec Tai Duc Va Thu Nhap Lieu Co Du De Chi Tra Hang Thang

Các cậu luôn luôn nhớ trong đầu như thế này nhé: nếu như tiền nhà và tiền bảo hiểm, những khoản phí bắt buộc của chúng ta, không chiếm quá 50% thu nhập, nghĩa là các cậu đang sống rất thoải mái với thu nhập của mình. Nói như vậy là vì mỗi vùng có mức tiền thuê nhà trung bình khác nhau, và mặc dù mức giá bảo hiểm trung bình trên toàn nước Đức là như nhau, thì thu nhập cũng sẽ thường cao hoặc thấp tuỳ theo vùng ấy. Một thành phố nhỏ, với giá tiền thuê nhà chỉ khoảng 200-250, sẽ không có nhiều cơ hội việc làm, ngược lại, một thành phố với giá nhà cao gấp đôi, sẽ thường là một thành phố nhộn nhịp với vô số cơ hội công việc. Bận rộn, nhưng đảm bảo được chuyện học hành, hay rảnh rỗi hơn, với một hầu bao nhỏ hơn, lựa chọn là của các cậu.

Ví dụ, nếu như một thanh niên ở Berlin kiếm được 600-650 Euro một tháng, và tiền nhà của cậu ấy với tiền bảo hiểm là 450 Euro, thì thực ra số còn lại dành cho quần áo, ăn uống và các chi tiêu nho nhỏ trong cuộc sống cũng vừa tạm đủ. Còn một cậu bạn ở Muenchen, mà người Anh, vì không đọc được âm Umlaut gọi là Munich, nếu kiếm được 1000Euro với tiền trợ cấp học nghề và làm thêm ở đó, nhưng nếu tiền nhà và bảo hiểm chiếm đến 650 đến 700, nghĩa là cuộc sống của cậu ta cũng khá là mệt mỏi vì liên tục phải làm thêm để kiếm tiền. Dĩ nhiên, cuộc sống vẫn thoải mái hơn, khi bạn có tiền, phải không nào?

Hôm nay có lẽ đến thế thôi, vì tớ sắp phải vào học rồi. Tuy nhiên các cậu nhớ nhé, chúng mình luôn luôn có thể trang trải ít nhất 90% đến toàn bộ cuộc sống của mình, chỉ với một chút sự chăm chỉ, cố gắng, cầu tiến, và cả sự cố gắng trong học tiếng nữa đấy nhé. Hẹn gặp lại các cậu, và nhớ đặt ra thật nhiều câu hỏi cho tớ nhé.

Nguồn: Học Tiếng Đức


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày