Làm thế nào để được phép cư trú hợp pháp trên nước Đức

Hôm nay VP luật chuyên nghiệp đầu tiên dành cho người Việt Nam tại Đức xin trình bày với mọi người vấn đề mà rất nhiều người VN chúng ta quan tâm đến, là làm thế nào để được phép cư trú hợp pháp trên nước Đức.

logo 1356084 640 

VP nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía khách hàng như:

  • Em mới có giấy phép cư trú gia hạn 3 năm một, bây giờ em có thể cưới người khác và người ta ăn theo em được không hoặc em có con thì người bố có được ăn theo không...
  • Em khai tên giả bây giời nhận con hoặc là cưới vợ thì phải làm sao ...?
  • Em qua Đức theo dạng Visa du lịch, thăm thân bây giờ em muốn cưới để được ở lại có được không?
  • Em không có giấy tờ em muốn cưới vợ hoặc nhận con để được ở lại có được không ?                   

 

Để có thể trả lời được những câu hỏi này chúng ta cùng nhau tìm hiểu mặt hình thức và bản chất sâu xa bên trong của vấn đề một người được ăn theo người khác để được phép cư trú hợp pháp trên nước Đức là như thế nào?

Vai trò của luật sư ra sao?

Quá trình kiện tụng diễn ra tại tòa như thế nào?

Cái gì là chúng ta có "QUYỀN" theo quy định của pháp luật, và cái gì chúng ta có thể "XIN" theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở tất cả những hiểu biết đó chúng ta sẽ "lách luật" làm sao cho linh hoạt và đạt kết quả mong muốn trong từng trường hợp cụ thể.

Vì chúng ta đang ở trên nước Đức, lách luật ở đây chúng ta nên hiểu là làm đúng phápluật, những việc pháp luật không cấm dựa trên sự hiểu biết chắc chắn, đầy đủ sâu sắc về pháp luật cùng kỹ năng mềm trong xử lý công việc, chứ đừng hiểu là làm trái pháp luật, đút lót, hối lộ...

Bây giờ chúng ta lấy một ví dụ rõ ràng về QUYỀN

Những người có chồng hoặc vợ hoặc con là người Đức thì được phép "ăn theo" vợ, chồng hoặc con dưới hình thức đoàn tụ gia đình theo điều § 28 Aufenthaltsgesetz. Tức là có lý do chính đáng để được cư trú trên nước Đức.

Bất kỳ ai kể cả người Việt Nam, người Trung Quốc, người Nga ... nếu có quốc tịch Đức thì "được gọi là" người Đức theo quy định của hiến pháp Đức.

Về mặt hình thức là cần phải có giấy đăng ký kết hôn khi là vợ chồng, hay giấy chứng nhận là cha hoặc mẹ của đứa trẻ.

Những trường hợp như trên thì theo luật là chúng ta có quyền đòi hỏi, tức là sở ngoại kiều bắt buộc phải cấp giấy phép cư trú cho những người trong trường hợp nêu trên khi người làm thủ tục đoàn tụ và người được đón đoàn tụ thực hiện đầy đủ những yêu cầu về mặt pháp luật (tức là chúng ta phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trước khi nghĩ đến việc đòi hỏi quyền lợi, và những người này phải không có liên quan rắc rối gì đến luật pháp ...), nếu sở ngoại kiều không đồng ý, chúng ta hoàn toàn có thể đưa đơn kiện ra tòa và khả năng thắng kiện sẽ cao. (mọi chi phí khi kiện tụng, thì bên thua - tức sở ngoại kiều - thường phải chịu toàn bộ).

Bắt đầu từ cuối năm 2015 và đầu  năm 2016 luật sửa đổi bổ sung cho luật ngoại kiều theo hướng khó khăn hơn cho người nước ngoài xin cư trú tại Đức. Những người đã có giấy bị đuổi về thì dù nằm trong trường hợp nêu trên, sở ngoại kiều vẫn có thể bác đơn xin ăn theo. Nhưng việc áp dụng luật này trong thực tế như thế nào, chúng ta phải cùng nhau đợi xem phán quyết của Tòa án trong từng trường hợp cụ thể.

 

Bây giờ những trường hợp mà chúng ta không có quyền thì chúng ta cố gắng làm sao để chuyển sang hình thức có quyền cho nó chắc chắn.

 

Chẳng hạn những người sang Đức với Visa ngắn hạn như du lịch hay thăm thân...hay những hình thức cư trú không hợp pháp khác, thường muốn đăng ký kết hôn với người Đức, hoặc nhận con để được ở lại:

Với những người kết hôn theo kiểu này khi ra đăng ký tại Đức người ta sẽ cho lịch cưới ngoài thời hạn của Visa ( tức là không thể có giấy đăng ký kết hôn được ). Kể cả có cưới được đi chăng nữa thì cũng sẽ bị sở ngoại kiều yêu cầu trở về VN trước, sau đó mới đón sang. Nhưng mà như mọi người đều biết là đã về đến Việt Nam rồi mà để đón sang được thì là cả một vấn đề lớn. Trên lý thuyết thì người bên Đức này có thể làm thủ tục để mời người kia sang Đức cưới hoặc đoàn tụ, nhưng đại sứ quán phía VN hoàn toàn có thể từ chối cấp Visa mà rất khó để có thể can thiệp được, nhất là khi bị dính vào nghi vấn là cưới giả để lấy giấy tờ (Scheinehe).

Để có thể cưới nhanh hơn thì nhiều người xin cưới ở một nước thành viên Châu Âu ví dụ cụ thể là  Đan Mạch. Ở đó người ta có dịch vụ cưới, nếu mọi người mang đầy đủ giấy tờ theo thì trong vòng một vài ngày là sẽ có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Khi có giấy đăng ký kết hôn tức là chúng ta đã có quyền đòi hỏi làm thủ tục đoàn tụ gia đình, sau khi đã thực hiện mọi nghĩa vụ.

Hoặc khi ai đó nhận một đứa trẻ quốc tịch Đức là con (tức là Cha hoặc Mẹ của đứa bé) thì cũng có quyền đòi hỏi ăn theo con một cách tương đối chắc chắn.

Điều kiện để đứa trẻ có quốc tịch Đức là người bố hoặc mẹ phải sống trên nước Đức ít nhất 8 năm, và phải có  giấy định cư vô thời hạn (unbefristet hoặc Niederlassungserlaubnis).

Điều kiện để có Unbefristet tùy trường hợp mà có những đòi hỏi khác nhau về mặt giấy tờ, cũng như bằng tiếng Đức. Bình thường thì cần phải có bằng tiếng Đức B1. Tùy theo trường hợp cụ thể mà không nhất thiết phải có bằng tiếng Đức B1 vẫn có thể lên Unbefristet được.

Những trường hợp khai thông tin giả, visa hết hạn ... thì nên chọn hình thức này sẽ chắc chắn hơn.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu cái gì chúng ta có thể xin theo quy định của pháp luật. Tại sao phải xin, vì trong luật người ta không đề là sở ngoại kiều bắt buộc phải thực hiện, mà người ta đề là sở ngoại kiều có quyền xem xét và có thể cấp giấy phép cư trú nếu được. 

Để việc đi XIN đạt được kết quả tốt chúng ta cần phải hiểu rõ, nắm chắc nguyên tắc hoạt động, tâm lý, cách xử lý và giải quyết của tất cả những yếu tố liên quan đến quá trình xin của chúng ta. 

Quá trình đi xin của chúng ta liên quan đến những nhân tố sau: 

1. Người đi xin (chủ thể)

2. Phiên dịch

3. Luật Sư

4. Sở ngoại kiều (người thụ lý hồ sơ)

5. Thẩm phán (quan tòa)

 

Chúng ta vẫn thường nghe câu nói là " biết mình biết địch thì trăm trận trăm thắng". chúng ta tạm phân ra "mình " ở đây gồm có

1. người đi xin

2. phiên dịch

3. luật sư.

 

"Địch" ở đây chúng ta tạm hiểu là Sở ngoại kiều

Người đứng giữa phân định ranh giới là quan tòa

 

Bây giờ chúng ta cùng nhau bàn bạc về bên Mình

Nếu bạn không biết tiếng, hoặc tiếng không đủ tốt để trình bày vấn để của mình một cách rõ ràng cho luật sư hiểu cũng như không thể hiểu chính xác những thông tin luật sư đưa cho bạn. Thì bạn cần phải có một người phiên dịch đi cùng. Và chất lượng của người phiên dịch sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với kết quả công việc của bạn.

Bạn cần lưu ý một điều là để luật sư có thể giải quyết tốt một vấn đề yếu tố quan trọng đầu tiên là luật sư cần phải hiểu vấn đề. Những chi tiết, tình tiết trong thực tế đóng một vai trò quan trọng đối với kết quả công việc. Nếu chúng ta chỉ đưa cho họ mỗi một tập hồ sơ mà không thể trình bày vấn đề của mình để người ta hiểu thì quả thực là người ta khó có thể giải quyết vấn đề của bạn một cách tốt nhất được.

 

Vai trò của Luật sư và diễn biến tại tòa..

Chúng ta có thể hình dung đại khái là bạn là ông Vua, còn luật sư vừa là ông quan võ vừa là ông quan văn đứng đằng sau bạn. Với chức năng là ông quan võ thì oai phong, hùng dũng, luật sư trong vai trò ông quan võ phải đảm bảo quyền lợi cho bạn, không bị những yêu cầu không đúng từ phía sở ngoại kiều hay phía đối phương ngay từ trong ý nghĩ của họ. Còn với chức năng của ông quan văn thì phải mưu lược, mềm dẻo, linh hoạt để thuyết phục người khác nhằm đạt hiệu quả cao trong công việc.

Chúng ta cần tránh những hình dung về luật sư như trong những bộ phim của Hollywood, vung tay chém gió, lời lẽ hùng hồn, tranh luận nảy lửa, biến đen thành trắng...trước tòa, đó chỉ là sản phẩm của điện ảnh mang tính giải trí mà thôi. Nhưng sự thật trong cuộc sống thì không hề như vậy. Công việc của luật sư chủ yếu là làm việc qua giấy tờ, thư từ giữa đôi bên, kể cả trước phiên tòa và khi ra tòa cũng chỉ phân tích những gì đôi bên đã viết hoặc cần lấy cung của nhân chứng. Hầu hết mọi vấn đề đều có thể thương lượng, đàm phán giữa đôi bên. Ngay cả quan tòa trước khi đi đến quyết định cũng thường thỏa thuận với cả hai luật sư của 2 bên. Chúng ta sẽ làm như thế này....nếu cả hai bên đều đồng ý thì sẽ đi tới quyết định...

 

Bây giờ chúng ta bàn đến bên "Địch"

''Biết địch'' chúng ta nói đến ở đây là sở ngoại kiều, đây là một bộ phận cơ quan nhà nước có chức năng xem xét và cấp giấy phép cư trú cho người nước ngoài.

chúng ta xét đến hai khía cạnh

1. Cách làm việc:

Về cách làm việc: như chúng ta biết người Đức làm việc rất có nguyên tắc. Tất cả những gì được nêu trong luật chắc chắn bạn phải thực hiện đầy đủ. Thu nhập  là yếu tố quan trọng nhất cần phải đáp ứng, thiếu thứ này thì chẳng ai có thể can thiệp gì được ( trừ một số trường hợp đặc biệt). Không có một luật sư nào, một mối quan hệ ngầm nào có thể chạy chọt...thay cho bạn được.

Yếu tố quan trọng thứ 2 là tiếng Đức. Một người có bằng tiếng Đức hoặc có khả năng giao tiếp tiếng Đức tốt cũng giúp cho việc làm đoàn tụ đơn giản hơn rất nhiều.

Yếu tố quan trọng thứ 3 là nhà ở. Tuy nhiên nếu đáp ứng được 2 yếu tố phía trên thì dù nhà ở có thiếu về mặt diện tích thì luật sư vẫn có thể can thiệp được.

Mà việc tính toán thu nhập và nhà ở phải do luật sư và cần phải có đầy đủ hồ sơ giấy tờ của khách hàng mới tính toán ra được. Mọi người cần phải thận trọng khi đi tư vấn tại những dịch vụ không đúng chức năng và không có khả năng, sẽ dẫn đến tốn thời gian, tiền bạc mà hỏng cả việc lớn.

 

2. Về mặt con người:

Về mặt con người, khi giải quyết hồ sơ giấy tờ thì là những con người với đầy đủ những cảm xúc vui buồn như những công dân bình thường khác trong xã hội, chúng ta biết rằng họ là những công nhân viên chức nhà nước. Làm nhanh, làm chậm...thì họ cũng chỉ làm 8 tiếng một ngày, tuần nghỉ hai ngày Họ có thể là người dễ tính, người khó tính, có gia đình con cái, hoặc không có gia đình.. tâm lý và cách xử lý công việc của họ cũng bị chi phối bởi những yếu tố môi trường xung quanh giống như tất cả mọi người.

Việc chúng ta cần phải làm là tạo thiện cảm tối đa đối với họ bằng cách chuẩn bị mọi thứ một cách tốt nhất để đơn giản nhất và mất ít thời gian xử lý nhất cho người thụ lý hồ sơ. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là bộ hồ sơ khi được họ đọc. Từ việc khai tên tuổi địa chỉ một cách rõ ràng, đến thư viết chính xác về mặt ngôn ngữ, thuyết phục về mặt nội dung đến việc sắp xếp các giấy tờ một cách ngăn nắp có trình tự... là đã tạo được nhiều thiện cảm đối với người phải xử lý hồ sơ. Khi bắt đầu xử lý hồ sơ với một tâm trạng thoải mái thì người ta cũng dễ "thông cảm" với bạn hơn.

Bởi vì thực sự không ai thích phải tranh cãi, kiện tụng, làm việc 11 đến 12 tiếng một ngày cả, nhất là đối với công nhân viên chức nhà nước thì chúng ta đừng bao giờ tìm cách đối đầu với họ thay vào đó là làm việc cùng họ, tỏ ra hiểu cách suy nghĩ và làm việc của họ thì sẽ luôn đạt được những kết quả mong muốn.

 

Bây giờ chúng ta bàn bạc đến bản chất sâu xa bên trong của vấn đề một người được ăn theo người khác để được phép cư trú hợp pháp trên nước Đức là gì?

Để người khác có thể ăn theo mình thì người đang được cư trú hợp pháp tại Đức phải có hình thức cư trú vững vàng. Tùy vào tính ổn định của hình thức cư trú và khả năng tài chính của người đang sống hợp pháp tại Đức, mà việc xin cho người kia ăn theo sẽ là dễ hay khó.

Chẳng hạn một người phụ nữ có thai và muốn người bố của đứa bé trong bụng ăn theo con, thì việc xem xét tính ổn định trong hình thức cứ trú của người mẹ đóng một vai trò quan trọng.

Nếu người mẹ có Unbefristet thì là khá chắc chắn.

Nếu hình thức cư trú của người mẹ là ăn theo con ( con là người Đức ) thì việc cư trú của người mẹ cũng là tương đối vững vàng , tuy người mẹ vẫn đang gia hạn 3 năm hay 5 năm nhưng việc xin cho người bố ăn theo là hoàn toàn có khả năng. Nên xin vào thời điểm khi thai được khoảng 7 đến 8 tháng thì người Bố có thể sẽ không bị yêu cầu về nước rồi mới đón sang đoàn tụ sau. Vì lúc đó luật sư có thể xin với sở ngoại kiều cho người bố ở lại để chăm sóc người mẹ và đứa bé sắp sinh ra. Đấy là một lý do chính đáng và thuyết phục.

Sơ yếu lý lịch của người được đón cũng đóng một vai trò quan trọng cho quá trình xin giấy phép cư trú..

Trường hợp ít ổn định nhất là cả người con và người mẹ vẫn phải gia hạn theo thời gian, thì khi đó người mẹ muốn cưới hay nhận con với người khác sẽ gặp khó khăn hơn những trường hợp trước.

Những người mới ly dị và mới gia hạn độc lập được một thời gian khi làm cưới hoặc nhận con với người khác thì phụ thuộc nhiều vào quá trình làm việc trước đây của người đó, nếu đi làm đàng hoàng không ăn bất cứ một khoản nào của xã hội và biết tiếng Đức thì việc người kia ăn theo cũng sẽ suôn sẻ hơn.

 

Điều kiện cơ bản để làm đoàn tụ:

1. Đủ thu nhập về mặt kinh tế

2. Đủ diện tích nhà ở

"Đủ" theo yêu cầu của sở ngoại kiều, luật sư cần phải có hồ sơ cụ thể mới có thể tính được.

Người được đón đoàn tụ, nếu ở VN thì cần tối thiểu trình độ ngoại ngữ A1 (có những trường hợp không cần ).

Tại sao người bố/mẹ lại được ăn theo con ?

Người ta xem xét đến tính toàn vẹn của một gia đình. Một gia đình đầy đủ là nền tảng tốt cho sự nuôi nấng và giáo dục cho trẻ nhỏ. Chính vì sự cần thiết cho việc nuôi nấng và dạy dỗ đứa trẻ khi có cả bố và mẹ cũng như việc người bố có thể giúp đỡ người mẹ trong thời gian trước và sau khi sinh đẻ hay đi làm để nuôi sống gia đình mà người ta sẽ cho bố đứa trẻ được ăn theo.

Trên đây là những quan điểm của VP thông qua kinh nghiệm làm việc muốn chia sẻ với mọi người, nhằm giúp mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về mặt pháp lý, thực tế cuộc sống, cũng như vai trò của luật sư trong quá trình làm việc. Rất mong nhận được những quan điểm khác, kinh nghiệm khác của cộng đồng người Việt Nam bổ sung thêm vào. Quan điểm và kinh nghiệm của nhiều người cùng đóng góp và chia sẻ sẽ góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam chúng ta ngày một lớn mạnh.

Nguồn: relide.de


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày