Ông Tập khuyên thanh niên Trung Quốc 'chịu khó chịu khổ'

Chủ tịch Tập cho rằng thanh niên nên "chấp nhận gian khổ", trong bối cảnh 11,6 triệu cử nhân Trung Quốc sắp tốt nghiệp đối mặt nguy cơ thất nghiệp.

"Vô số trường hợp thành công trong cuộc đời cho thấy khi ta chịu khổ thời trẻ, thành quả sẽ đến sau này", People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng 5 dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài xã luận đăng trên trang nhất.

Bài viết đề cập đến kỳ vọng của ông Tập với giới trẻ Trung Quốc, trong đó nhắc đến cụm từ "chịu khó chịu khổ" 5 lần. Ông Tập cũng liên tục hối thúc giới trẻ nước này "tự tìm đến nơi gian khó", nhắc đến trải nghiệm của bản thân khi làm việc ở vùng nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

1 Ong Tap Khuyen Thanh Nien Trung Quoc Chiu Kho Chiu Kho

Ông Tập Cận Bình (ngoài cùng bên phải), khi đó là bí thư tỉnh ủy Ninh Đức, đi làm đồng trong chuyến công tác nông thôn năm 1988. Ảnh: Xinhua

Thông điệp được ông Tập đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 4, với 20,4% người từ 16 tới 24 tuổi không tìm được việc làm. Sức ép việc làm ở Trung Quốc càng lớn hơn khi gần 11,6 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp đại học vào tháng 6.

Nhiều cử nhân, thạc sĩ Trung Quốc nhận ra rằng sau thời gian dài học tập cực khổ tại trường, họ đang đối mặt với thị trường việc làm ngày càng thu hẹp, thu nhập thấp hơn, trong khi giờ làm việc kéo dài hơn.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ ngành ngôn ngữ học ứng dụng tại đại học Queensland danh giá của Australia, Ingrid Xie, 26 tuổi, hồi tháng 2 quyết định trở về quê hương ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, với niềm tin rằng tấm bằng nước ngoài sẽ giúp cô dễ dàng tìm được một công việc tốt.

Nhưng Xie sớm phát hiện "rất nhiều người du học nước ngoài về muốn làm điều tương tự". Cô cho hay một người bạn ở Côn Minh vừa tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên tiếng Anh cùng 100 thí sinh, nhưng không trúng tuyển. Xie cuối cùng chấp nhận làm việc trong một cửa hàng tạp hóa.

2 Ong Tap Khuyen Thanh Nien Trung Quoc Chiu Kho Chiu Kho

Thanh niên Trung Quốc tại một hội chợ việc làm. Ảnh: China News

Vấn đề thanh niên có học vấn cao thất nghiệp nghiêm trọng tới mức họ bắt đầu so sánh mình với Khổng Ất Kỷ, nhân vật trong truyện của nhà văn Lỗ Tấn, một trong những tác gia vĩ đại nhất của văn học Trung Quốc. Khổng từ một người đọc sách biến thành kẻ ăn xin, thường bị người ta chế giễu vì sĩ diện khi hay tới quán rượu uống chịu.

Truyền thông nhà nước chỉ trích cách ví von này, cho rằng thanh niên đang theo lối sống buông thả. Hồi tháng 3, truyền thông nhà nước đăng bài xã luận cho rằng thanh niên ngày nay "không muốn làm những công việc thấp hơn kỳ vọng bản thân".

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc đến việc thanh niên cần chấp nhận gian khổ, chủ động điều chỉnh tâm thế, rèn luyện ý chí trong hoàn cảnh khó khăn. "Khi còn trẻ, chúng ta trải qua mài giũa, chông gai, khảo nghiệm, thì con đường sau này mới thuận lợi", ông nói trong Diễn đàn đại biểu thanh niên ưu tú tại Bắc Kinh năm 2013.

Gần 10 năm sau, trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Nam hồi tháng 10/2022, ông tiếp tục nhắc lại điều này. "Thế hệ thanh niên cần kế thừa và phát huy tinh thần chịu khó chịu khổ, tự lực cánh sinh, từ bỏ thói đỏng đảnh", ông Tập nói.

3 Ong Tap Khuyen Thanh Nien Trung Quoc Chiu Kho Chiu Kho

Cảnh chen chúc trong hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh ngày 11/4. Ảnh: AFP

Nhưng nhiều thanh niên Trung Quốc cho rằng xã hội hiện nay rất khác so với cách đây vài chục năm và việc yêu cầu họ phải "chịu khổ" là không công bằng. "Nó giống như yêu cầu thanh niên chúng tôi phải cống hiến vô điều kiện, làm những công việc mà họ không muốn làm", Gloria Li, người tốt nghiệp thạc sĩ năm ngoái nhưng chưa tìm được việc, nói.

Nền kinh tế Trung Quốc đang mất cân đối giữa nhu cầu việc làm và trình độ người tìm việc. Theo Goldman Sachs, từ năm 2018 đến 2021, số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thể thao và giáo dục tăng hơn 20%.

Nhưng năm 2021, chính phủ Trung Quốc bất ngờ cấm hoạt động dạy thêm ngoài giờ, khiến ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 150 tỷ USD gần như sụp đổ. Gánh nặng bài tập về nhà của học sinh giảm bớt, nhưng luật mới gây khó khăn cho những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp như Xie, người từng coi dạy thêm là cách để tích lũy kinh nghiệm sư phạm.

Xie đã xem quảng cáo tìm giáo viên ở nông thôn một năm, nhưng "tôi không thích đi dạy ở vùng quê, bởi sống trong môi trường đó rất vất vả, đặc biệt với phụ nữ".

Giờ đây, Xie chấp nhận sống "ăn bám" bố mẹ, từ bỏ nỗ lực tìm công việc mơ ước. "Tôi chỉ muốn có đủ thời gian cho riêng mình và một nghề có thể cân bằng giữa làm việc với cuộc sống, nhưng không thể tìm thấy", cô nói.

Hồng Hạnh (Theo Guardian/People)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày