Trong khủng hoảng người Việt ở Séc chứng tỏ đây là quê hương của mình

Đã từ lâu người Việt Nam ở Séc hứng chịu từ dân bản xứ đủ kiểu mỉa mai xúc phạm- từ vẻ bề ngoài cho tới cách nói tiếng Séc không tốt. Nhưng căng thẳng giảm dần khi con cái những người di cư đầu tiên đã "Séc hóa" hầu như trong tất cả mọi lĩnh vực.

Hơn nữa cộng đồng này khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp đã chứng tỏ, rằng họ coi Séc thực sự là quê hương của mình.

Bài viết của tác giả Jiří Sotona trong tạp chí số ra cuối tuần rồi của nhật báo Právo đã mô tả khách quan về thực tế này.

132 1 Trong Khung Hoang Nguoi Viet O Sec Chung To Day La Que Huong Cua Minh

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Khi chúng tôi theo dõi những con số và số lượng người lây nhiễm, mà đang tăng lên từng ngày, tình trạng thường xuyên thiếu trang thiết bị y tế phòng hộ, chúng tôi không thể vô tình. Chúng tôi rất, rất mong muốn được giúp đỡ các bạn bằng hình thức nào đó," ngày 01 tháng Tư năm nay, nghĩa là vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bulovka ở Praha Jan Kvaček đã nhận được bức thư có những dòng chữ như vậy. Những chữ ký dưới bức thư là "Nhóm 31 gia đình Việt Nam ở Praha", mà cùng với lá thư những người đại diện của họ đồng thời trao tặng bệnh viện 55 nghìn korun.

"Chúng tôi, những đồng bào Việt Nam và tất cả con cháu mình đã coi Cộng hòa Séc là quê hương của mình, nơi chúng tôi có thể sống, làm việc và con em chúng tôi có thể bình yên học hành và tham gia vào mọi hoạt động xã hội," lá thư viết tiếp.

Đó là một trong rất nhiều ví dụ, khi cộng đồng người Việt Nam đã âm thầm hành động trong thời gian đất nước ở tình trạng khẩn cấp. Những người Việt Nam ở Plzeň đã tặng tòa thị chính 300 nghìn korun và 1700 khẩu trang. Hội người Việt Nam ở Teplice và vùng phụ cận đã quyên góp được 240 nghìn korun và chia sẻ cho các bệnh viện vùng Ústí và Teplice. Hay câu lạc bộ tenis của người Việt Nam ở Praha tặng bệnh viện Thomayerova 100 nghìn korun. Tại các cửa hiệu tiện ích của mình những người Việt Nam cung cấp miễn phí đồ uống và điểm tâm cho các nhân viên hệ thống cứu hộ tích hợp.

Người Việt ở Séc đã may hay mua hơn 220 nghìn khẩu trang và đem tặng. Đã tặng cho các thành phố, thị xã và bênh viện 3,6 triệu korun," chủ tịch danh dự Hội Séc- Việt Marcel Winter tổng hợp.

Sự kiện tình cờ là năm nay hai nước kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thập niên 50 lần đâu tiên những trẻ em Việt Nam từ các gia đình bị ảnh hưởng của chiến tranh đã tới Tiệp Khắc. Sau đó luân phiên người lao động, học sinh học nghề và sinh viên. Trong thập niên 90 làn sóng mới tràn sang kinh doanh những người mang trong mình tính cách buôn bán bẩm sinh. Ban đầu họ cả ngày lạnh cóng bên những lều rong với các loại hàng vải rẻ tiền, sau đó chuyển dần vào cửa hàng cố định. Những người khác thì thử vận may trong dịch vụ ăn uống và các thành phố Séc sớm tràn ngập những tiệm ăn nhanh của họ. Nay người Séc khó có thể hình dung khả năng mua bán nhanh chóng nếu thiếu những cửa hiệu tiện ích của họ. Và các khu thương xá sẽ ra sao nếu thiếu những nhân viên Việt Nam (với chiếc khẩu trang không thể thiếu, không chỉ trong thời gian dịch bệnh) làm đẹp móng cho các quí bà.

Marcel Winter không ngạc nhiên khi cộng đồng mà theo Ủy ban Thống kê Séc ước tính khoảng 62 nghìn người định cư và đông thứ ba sau người Ukraine và Slovakia, mong muốn được công nhận là dân tộc thiểu số.

Qua những năm hỗ trợ người Việt Nam hội nhập, Marcel Winter đã rất nhiều lần chứng kiến tình đoàn kết của họ. Thường xuyên nhất là khi thiên tai bão lụt hay gần nhất là thảm họa hỏa hoạn tại ngôi nhà của người thiểu năng ở Vejprty mà người Việt Nam cũng đóng góp tài chính để sửa chữa.

Từ 11 tháng Ba trang web của Hội Séc- Việt đã chia sẻ thông tin liên quan tới việc đeo khẩu trang, mà người Việt đã bắt đầu sử dụng để đề phòng từ trước, khi chưa hề có chỉ thị của chính phủ. "Khi người Séc thấy chúng tôi đeo khẩu trang, họ đã quát tháo, rằng chúng tôi có bệnh và phải ở nhà hay chúng tôi đang lây lan bệnh dịch," vị chủ tịch danh dự trích dân một trong những phàn nàn mà dạo đó nhận được. Nhưng chỉ sau đó một tuần, toàn thể dân tộc đã buộc phải dùng khẩu trang.

"Người Việt đã có kinh nghiệm từ nhiều trận dịch ở Việt Nam, ví dụ cúm gia cầm. Và vì họ không chỉ giỏi phán đoán mà còn rất thận trọng, bởi họ không muốn bị ốm, không muốn lây bệnh cho người thân, nhất là con trẻ," Marcel Winter giải thích.

Đồng thời chính qua chỉ trích việc đeo khẩu trang cũng là bằng chứng cho thấy là một số người Séc vẫn còn thiên kiến, mặc dù theo Marcel Winter hành động của người Việt trong thời gian tình trạng khẩn cấp chắc chắn góp phần tích cực cho hiểu biết lẫn nhau.

Biệt danh khó chịu    

Tomáš Sychra vừa tốt nghiệp Y khoa trường Tổng hợp Charles ở Praha, trong khủng hoảng cùng đưa tay hỗ trợ, mặc dù chủ yếu trong vai trò tổ chức hơn là trên địa bàn. Tác giả bài viết từng làm quen với anh trong phóng sự về tinh thần xả thân của các nhân viên y tế trong bệnh viện. Trong khoa của mình anh là một trong những người tổ chức, nên không mấy ngạc nhiên khi nghe bạn đồng học gọi anh với biệt hiệu Rejžo.

Bởi cho rằng nó liên quan tới vai trò "nhà đạo diễn- režiséři" của anh. Vì qua họ tên và cả khuôn mặt bịt khẩu trang gần kín mít khó có thể nhận thấy trong huyết quản của anh có một phần gốc Việt Nam, và biệt hiệu Rejžo thực ra có gốc từ chữ gạo- rýže như giải thích sau đó của anh. Đó cũng là một trong những ví dụ điển hình về biệt danh mà người Séc nghĩ ra cho người Việt.

"Tôi nghe thấy lần đầu hồi lên 5 tuổi, và từ đó cứ đeo đẳng. Tôi muốn nó được quên đi khi vào gymnazia, để các bạn học gọi đúng đúng tên. Nhưng thay vào đó lại là biệt danh còn xấu hơn, nên thấy tốt nhất là quay về với Rejžo," bác sĩ phẫu thuật tương lai có bố là người Việt Nam nhớ lại.

Nguyên nhân vì sao bố mẹ muốn anh giữ họ Séc của mẹ cũng chính vì sợ mỉa mai thiên kiến. "Bố mẹ tôi sợ, là họ Việt sẽ gây trở ngại khó dễ khi học tập và cả cơ hội làm việc. Hơn nữa tôi lớn lên ở thành phố nhỏ, nơi mà thái độ phân biệt chủng tộc bao giờ cũng phổ biến hơn đô thị lớn," anh giải thích.

Tomáš Sychra đã không còn cảm thấy ẩn ý xúc phạm của biệt danh, nhất là khi bạn bè sử dụng nó để gọi. Hơn nữa môi trường đại học đô thị lớn phần nào cũng xóa mờ sự khác biệt giữa từng cá nhân.

Mặc dù vậy anh cũng không giấu diếm cảm giác khó chịu phần nào từ nhỏ, vì không biết mình thực sự thuộc về nhóm sắc tộc nào. "Không có nghĩa là tôi không thể sống tuyệt vời trong cộng đồng này hay cộng đồng kia, có bạn bè, tận hưởng văn hóa hay ẩm thực, những tôi chỉ hơi cảm thấy mình khác lạ so với người khác trong cả hai cộng đồng," anh chia sẻ.

Bác sĩ Việt Nam? Hãy quen dần thực tế!

 "Có những mỉa mai làm cho đau đớn, nhưng cũng có mỉa mai của bè bạn, làm người ta phải mỉm cười. Tôi cũng bị gọi là Rýže hay Větvička," Nguyễn Thu Trang, thiếu nữ ra đời ở Séc có bố mẹ Việt Nam góp lời. Để dễ gọi, cô sử dụng tên Lucie. Cả cô cũng không ngồi ở nhà, khi mà tháng Ba chương trình năm thứ tư Khoa Y 3 trường UK phải gián đoạn. Cô tình nguyện vào phục vụ tại bệnh viện đa khoa VFN ở Praha, chăm sóc các bệnh nhân nghi nhiễm virus corona.

Nhưng trong thời gian khủng hoảng cô cũng gặp phải một tình huống bất ngờ khó chịu liên quan tới cội gốc của mình. "Một ông chạy ra bến tầu, vấp ngã và chảy máu đầu. Tôi chạy đến để giúp ông ta. Tôi có đeo khẩu trang và tôi còn đi găng tay, nhưng ông ta hét lên với tôi, rằng đừng đụng vào ông ta, vì tôi ăn dơi và tôi lây bệnh cho ông ta. Tôi uqay mặt bỏ đi, vì không còn muốn giúp nữa."

Thực tế là trong tương lai sẽ còn có thêm nhiều bác sĩ gốc Việt chăm sóc sức khỏe cũng chứng minh cả với trường hợp của chàng thanh niên 26 tuổi Lê Hồng Thái, người mà với danh hiệu MUDr. Bắt đầu được sử dụng từ năm ngoái và các bệnh nhân có thể gặp ở Khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa VFN ở Praha.

"Không biết, là có thể coi đó là phân biệt chủng tộc hay bài ngoại, nhưng tôi thường gặp phải chuyện đó với các bệnh nhân của mình. Khi họ tấn công tôi, chủ yếu vì dang say rượu hay mang bệnh tật gì đó. Tôi không để tâm tới điều đó. Khi họ tỉnh táo thì không xảy ra chuyện gì," vị bác sĩ trẻ mô tả.

Anh cho biết, là thường gặp những phản ứng tích cực. "Ngoài việc tôi là bác sĩ, hàng tháng tôi vẫn giúp bố mẹ bán hàng. Mọi người khen tôi nói tiếng Séc tốt và chúng tôi là những người chăm chỉ." 

Theo Hương Sen


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày