Báo động tại các tiệm làm móng tay của người Việt Nam ở Đức – Bóc lột lao động, buôn người, lao động chui, trốn thuế

Dự kiến, trong thời gian tới cảnh sát, hải quan, sở thuế sẽ tăng cường kiểm tra các tiệm làm móng tay của người Việt Nam trên toàn nước Đức.

Báo „Welt (thế giới)“, một trong các tờ báo lớn nhất của Đức, vừa đăng bài giật „tit“: „Báo động tại các tiệm làm móng tay (Nagelstudios/nail salon)“ của người Việt Nam tại Đức.

Trong các tiệm làm móng tay ở Đức, nạn bóc lột lao động và sử dụng những người Việt Nam được đưa bất hợp pháp sang Đức đang lan rộng khắp nơi. 

Theo điều tra riêng của „Welt“, các Viện công tố trên khắp nước Đức đang tiến hành hàng chục vụ điều tra về việc đưa người bất hợp pháp vào Đức và hoạt động của các tiệm làm móng tay phần lớn do người Việt Nam điều hành. Cảnh sát Liên bang cũng đang tiến hành điều tra trong ngành dịch vụ này.

Trong vòng 12 tháng qua, ngành Tài chính cũng đã tiến hành ít nhất gần chục chiến dịch kiểm tra trọng điểm đối với ngành dịch vụ nói trên tại nhiều thành phố và các tỉnh, huyện trên toàn Liên bang Đức.

Theo ước tính của tạp chí „Prof Nails“, hiên nay có khoảng từ 50.000 đến 70.000 tiệm làm móng, với tổng doanh thu hàng năm tới 6 tỉ Euro. 

132 1 Bao Dong Tai Cac Tiem Lam Mong Tay Cua Nguoi Viet Nam O Duc  Boc Lot Lao Dong Buon Nguoi Lao Dong Chui Tron Thue

Tại các cuộc kiểm tra, lần nào các nhà chức trách cũng phát hiện rất nhiều đàn ông, phụ nữ người Việt không có giấy phép cư trú đang làm việc chui với mức lương thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu được luật pháp quy định.   

Nhà chức trách thường xuyên phát hiện nhiều trẻ vị thành niên cư trú bất hợp pháp tại Đức.

Riêng trong một đợt kiểm tra của cơ quan thuế vụ tại 27 tiệm làm móng tay trong ngày 21.5.2019, đã phát hiện tới 5 trẻ vị thành niên làm việc. Theo cơ quan thuế vụ và cảnh sát,  nạn bóc lột lao động và buôn người là do các nhóm tội phạm có tổ chức điều hành.

Theo thông tin của sở cảnh sát hình sự bang Berlin, những người Việt Nam thường được các tổ chức buôn người đưa tới Đức qua biên giới Ba Lan với các giấy tờ, hộ chiếu giả mạo hoặc đi mượn. Sau đó, họ được đưa về Berlin và bị bắt phải làm việc để trừ món nợ cho bọn buôn người trong chặng cuối. Sau đó họ được đưa tới làm việc tại các tiệm làm móng tay hoặc các quán ăn trên toàn nước Đức.

 

Nguyễn Thanh


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày