Bao giờ thì chú định về Việt Nam

Đã 35 năm trôi qua, cậu trai đôi mươi ngày ấy sắp thành một ông già khó tính và cáu bẳn. Những ký ức về quê hương của 20 năm đầu đời giờ chẳng còn rõ nét, vì thời gian lưu lạc đã gần gấp đôi, và đời người đã đi quá nửa.

Còn thương rau đắng mọc sau hè. Hồi còn ở Việt Nam mình luôn nghĩ, sau này qua được Đức rồi sẽ hát tặng mấy cô chú, anh chị và bạn bè ở bển dăm bài dân ca miền sông nước, cho mọi người nhớ quê đến chết thì thôi.

Thực sự không muốn những người Việt gặp nhau ở xứ lạ, đã biết người kia cùng dòng máu và ngôn ngữ, mà lại cứ “chơi” tiếng Đức với nhau. Càng không muốn trong tâm trí người xa xứ, một bài hát tiếng Đức ồn ã mới vừa quen giai điệu chưa thuộc lời có thể vùi lấp đi một lời ru quê cũ từ thuở nằm nôi.

Bao giờ thì chú định về Việt Nam? - 0

Bữa nay chỗ làm không đông khách như mọi khi, nên mình được về sớm. Thấy có mấy cô chú người Việt vẫn vùi đầu cắm cổ trong bếp dọn dẹp tội quá, mình mới nán lại hỏi thăm, rồi tính ca tặng cô chú một bài dân ca Nam Bộ.

Trong lúc chưa nghĩ ra bài chi để hát, có một chú bật lên câu hỏi:

 “Con có biết bây giờ nước mình phát triển như thế nào rồi không?

Phương tiện đi lại, cơ sở vật chất các thứ đã tốt hơn ngày xưa chưa?

Đường phố quê mình giờ chắc náo nhiệt, nhà cao tầng chắc được xây nhiều dữ lắm, không còn đói nghèo giống cái thời chú vượt biên qua Đức nữa…“.

Nghe chú nói xong mình bất ngờ ghê lắm, chẳng lẽ chú đi lâu đến vậy không về, đi từ cái thời xa lắc nào rồi mà không còn biết nước mình giờ phát triển ra sao.

Hỏi thì chú kêu, ra đi vào lúc còn trẻ như con bây giờ.

Mà vì mưu sinh, lo cho cuộc sống của mình ở bển, rồi lại tích cóp tiền gửi về quê cho gia đình, nên chưa về nước nổi lấy một lần.

Đã 35 năm trôi qua, cậu trai đôi mươi ngày ấy sắp thành một ông già khó tính và cáu bẳn.

Những ký ức về quê hương của 20 năm đầu đời giờ chẳng còn rõ nét, vì thời gian lưu lạc đã gần gấp đôi, và đời người đã đi quá nửa.

Bao giờ thì chú định về Việt Nam - 0

Tự nhiên mình bật lên một câu hỏi: “Bao giờ thì chú định về Việt Nam?”.

Chú đáp thật ngắn gọn: “Chú chưa biết nữa !“.

Mình muốn kể thật nhiều với chú, rằng nước mình giờ đây đã thay đổi rất nhiều so với cái thời nghèo xác xơ của những năm sau chiến tranh chống Mỹ, rằng đời sống đã hiện đại, văn minh gấp mấy lần ngày trước. Nghĩ thế nào lại chẳng kể chi nữa, vì thấy tội chú ghê, ngày về vẫn còn chưa xác định.

Mình, một con bé vừa tan ca, áo quần vướng mùi đồ ăn và đôi giầy thì bê bết bẩn, tóc tai bù xù hơn tổ quạ, đứng giữa bếp hát tặng mấy cô chú bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè“.

Sân khấu của mình là gian bếp quán, đồ trang trí khán phòng là mấy củ su hào, cà rốt, mấy cây rau súp lơ xanh, dăm ba cọng hành lá, vài khay thịt và rất nhiều nước sốt các loại, cùng với cơ man là chảo, xoong, nồi, thớt, dao… Không micro, phòng thu hay nhạc cụ, mình đã hát giữa gian bếp chưa dọn còn nhem nhuốc ấy, chỉ để gửi đến kẻ lưu lạc một chút tình quê cũ.

Bài này ở quê vẫn hay nghêu ngao ngoài đường ngoài chợ mà chẳng có cảm xúc gì, sao giờ đây nghe thấm đến từng câu chữ. Rồi mình thực sự đắm chìm vào bài hát buồn tha thiết ấy…

Cái chú kia, chỉ hy vọng nghe xong bài hát buồn chú liệu tính thế nào, đặt vé về thăm quê một lần đi chú. Đi lâu thế này rồi, về có khi phải giới thiệu lại từ đầu, vì mọi người chẳng thể nhận ra nổi nữa.

Mai Hương – Frankfurt

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày