Nhưng không, bức tường ấy đã chứng kiến bao cảnh buồn, vui, sum họp, chia ly của biết bao số phận con người. Ranh giới Đông-Tây chẳng còn nhưng những câu chuyện xoay quanh nó thì vẫn còn được nhắc mãi, nhớ mãi. Một bức tường mang đầy dấu ấn lịch sử, không giống như bao bức tường thường khác. Tôi muốn nói đến Bức tường thành Berlin (Berliner Mauer ) 1961-1989.
Tôi sang Đức, Dresden ngày 27 tháng 9 năm 1989 và làm việc tại nhà máy lắp ráp máy ảnh Pentacon. Sau khi học tiếng và ra làm việc chưa được bao lâu thì mọi người bắt đầu đồn nhau về bức tường thành. Sang đến năm 1990 tự nhiên các bạn cùng làm với tôi cũng rục rịch trốn sang Tây Đức, thậm chí vợ chồng người đội phó thân thiết với tôi cũng bỏ đi làm tôi rất hoang mang đấu tranh tư tưởng:đi hay ở đây?
Cứ cuối tuần được nghỉ thì một số bạn bè có xe ô tô lại rủ tôi đi Berlin, chạy ra chỗ tường thành, vừa là thỏa hiếu kỳ, vừa là muốn xem thử thực hư ra sao. Ra đến nơi thấy dân Đông Đức xếp hàng qua nườm nượp, còn người nước ngoài thì rình rập, cứ hễ lính canh sơ hở là họ lấy người làm thang để trèo qua tường sang bên kia. Thật ra lúc đó an ninh cũng nới lỏng rồi nên nhiều khi thấy người trèo qua ở xa lính canh cũng lờ đi ,như hiểu ngầm với nhau là "cho phép".
Có một lần tôi cùng với mấy người bạn (trong đó có người muốn trốn sang tị nạn) tìm cách vượt qua tường. Hôm đó họ lại kiểm soát khá chặt chẽ vì nhiều chỗ trên bức tường đã bị đục thủng, cứ chỗ nào hở ra thì người ta lại lắp rào sắt vào. Đang loay hoay tìm chỗ sơ hở thì tôi chợt phát hiện phía bên phải tôi có mấy người đang chui qua, có vẻ trót lọt.
Tôi nói với các bạn, thế là cả lũ kéo nhau ào tới đó. Tôi cũng theo dòng người chui qua một cách dễ dàng. Sang đến Tây Đức rồi mà vẫn cứ lơ ngơ như lũ nhà quê lần đầu ra tỉnh. Nhìn thấy cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra biên giới, tôi định nấp sau gốc cây trốn thì bạn tôi bảo:"Đừng sợ , đã sang đến đây rồi thì không ai bắt đâu!".
Thế là lũ lớ ngớ chúng tôi bắt đầu dạo phố và mắt tròn, mắt dẹt nhìn cửa hàng với một sự ngỡ ngàng, thích thú như trong mơ. Thoáng cái đã 10 giờ đêm, một nửa số bạn muốn ở lại tìm trại tị nạn, còn tôi và những bạn khác tìm cách quay về để hôm sau còn đi làm (lúc đó nhà máy vẫn hoạt động bình thường).
Đi bộ được đến bức tường thì cũng đã 12h khuya. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm lại được cái lỗ thủng của tường mà lúc buổi trưa chui sang nhưng rồi ngay sau đó lại vô cùng thất vọng khi phát hiện ra lỗ hổng ấy đã được rào kín. Vừa mệt, vừa lo, cơn đói lại kéo đến. Lúc trước mải mê ngắm phố phường nên cũng chỉ ăn qua loa, vả lại khoản tiền mang theo 20DM (đồng Mác Tây Đức), tương đương 200M (đồng Mác Đông Đức), cũng chỉ đủ cho một ngày ăn uống tằn tiện ở Tây Đức.
Cũng phải nói thêm là lương của tôi lúc đó được có 700M một tháng nên đi chơi cũng chỉ dám mang bấy nhiêu thôi, gần một phần ba tháng lương chứ có ít đâu. Suy đitính lại mãi, cuối cùng chúng tôi quyết định ra thẳng cổng chính vì nghĩ rằng chắc họ chỉ làm khó những ai từ Đông sang Tây thôi chứ ngược lại thì dễ dàng hơn.
Ái Thanh (trái).
Quả như dự đoán, phía bên Tây Đức chào hỏi chúng tôi rất vui vẻ và có phần ngạc nhiên tại sao chúng tôi quay về. Còn phía bên đông lập tức chia chúng tôi thành 2 tốp nam, nữ riêng để tiện hỏi cung. Ôi giời, tim tôi như muốn nhảy ra ngoài, tay chân run lẩy bẩy, mặt tái dại.
Tôi và một bạn gái bị đưa vào một phòng nhỏ. Sau khi hỏi giấy tờ, chúng tôi phải giơ 2 tay quay mặt vào tường để họ lục soát. Lúc đó bao nhiêu tiền trong túi đều bị lột sạch. Rồi họ lập biên bản, giữ tiền và thu hết giấy tờ tùy thân. Sau khi tra khảo nơi làm việc của chúng tôi, họ nói: "Các chị đã phạm luật qua biên giới, 10 ngày nữa các chị sẽ phải về nước. Nếu đồng ý thì ký vào biên bản".
Lúc này mệt mỏi quá rồi, ký bao nhiêu cũng được miễn được thả về, thế là tôi ký luôn không cần nghĩ gì. Ra đến ngoài cửa thì gặp dần những khuôn mặt thiểu não, mệt mỏi của các bạn tôi. Họ đều quyết định giống tôi đổi chữ ký lấy tự do và lúc này chẳng còn gì để mất!
Những người bạn ở Berlin thì họ về nhà, còn tôi và 2 người bạn phải đi tàu tiếp về Dresden, cách Berlin khoảng 200 km. Tiền không một xu dính túi, chúng tôi len lén nhảy lên chuyến tàu sớm, mắt la mày lét hồi hộp ngóng người soát vé. Đến khi nghe tiếng toa bên cạnh họ đang kiểm tra vé, chúng tôi vội vàng chia nhau chui vào những phòng vệ sinh để trốn. Về đến ga Dresden mới thở phào nhẹ nhõm vì đã thoát. Quần áo xộc xệch, mặt mày phờ phạc chúng tôi lại một lần nữa đi lậu vé tàu điện.
Về đến nhà tôi lịm đi, ngủ như chết, buổi chiều vẫn phải tiếp tục đi làm.
Hành trình khám phá tự do của tôi như thế đấy. Tuy nhọc nhằn nhưng qua đó chúng tôi cũng mở mang ra được nhiều điều. Đúng là "trăm nghe không bằng một thấy!".
Tuần vừa rồi chúng tôi lên Berlin xem ca nhạc. Khi xe hiên ngang tiến thẳng tới cổng thành Bradenburger Tor sừng sững, rộng mở, bao kỷ niệm xưa của một thời còn bức tường ngăn cách ùa về trong tôi, buồn vui lẫn lộn. Bức tường đã đổ nhưng những câu chuyện về nó thì còn mãi với thời gian.
Chúng tôi bây giờ đều đã là công dân Đức, được đi bầu cử ,được nói và chịu trách nhiệm với lời nói của mình, được hòa nhập vào xứ văn minh. Riêng tôi cảm thấy mình thật may mắn về điều đó và luôn cảm ơn nước Đức, chính phủ Đức đã cho mấy mẹ con tôi một cuộc sống thật yên bình!
© 2024 | Thời báo ĐỨC