Nguy cơ hình thành một khu biệt lập bên lề xã hội
Trong khu chợ, biển hiệu quảng cáo cho những cửa hàng làm móng và phun săm chói sáng. Ở ngay cửa hàng bên cạnh, áo, khăn tay và bồn cầu toilet xếp chất đống. Chợ Đồng Xuân Berlin ở đường Herzbergstraße của quận Lichtenberger là một trong những nơi lạ thường và kỳ quặc nhất ở Berlin.
Trên diện tích 165.000 m vuông, hàng nghìn gian hàng của người châu Á mọc lên, họ bán quần áo và nhiều loại hàng hóa rẻ tiền. Họ có các tiệm làm tóc, nơi bạn có thể cắt tóc với giá 7 euro, tiệm mát xa Trung Quốc – mặc dù hơi đau nhưng giúp chống đau lưng, và tiệm Nails, nơi bạn có thể làm móng tay, chân. Những người nhập cư từ Việt Nam, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và các quốc gia khác đã kinh doanh kiếm sống trong các nhà lồng chợ khổng lồ ở đây.
Một sự kiện được tổ chức trong khu chợ Đồng Xuân ở Berlin, Đức.
Chợ Đồng Xuân từ lâu trở thành một địa điểm hút khách du lịch của Berlin. Phần lớn du khách bị thu hút bởi các cửa hàng quần áo giá rẻ và những sạp hàng trái cây nhiệt đới phong phú.
Rất nhiều nhà hàng ở chợ Đồng Xuân quảng cáo ẩm thực thuần túy Việt Nam. Các món ăn ở đây khác với những nhà hàng Việt Nam ở các quận khác của Berlin, nơi các món ăn đã được chế biến thích nghi với khẩu vị của Đức và chất lượng phục vụ khách hàng cao. Ở chợ Đồng Xuân các món ăn có mùi vị thuần Việt hơn, nhưng khách hàng không được phục vụ niềm nở.
Cửa hàng thực phẩm trong chợ Đồng Xuân. (Ảnh: Stil in Berlin)
Nhiều người Việt Nam từ khắp nước Đức và Đông Âu lại yêu thích những nhà hàng này, nhiều người tìm đến để thưởng thức những món ăn mang hương vị quê nhà. Do đó, Trung tâm Đồng Xuân đã trở thành một địa điểm thu hút người Việt Nam từ khắp châu Âu đổ về. Họ ăn ở đây, gặp gỡ đồng hương, ghé tới các tiệm làm đẹp, mua sắm và cũng có thể tìm tới các văn phòng tư vấn thuế, thông dịch, bán vé máy bay.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người Việt Nam trưởng thành ở Đức cảm thấy xấu hổ về chợ Đồng Xuân. Tờ TAZ đã không tìm được ai sẵn sàng phát biểu về khu chợ này mà đồng ý để đăng tên đầy đủ trên báo.
Một nữ sinh viên 22 tuổi nói: “Ở đây luôn bẩn. Tôi thậm chí còn nhìn thấy những con vịt sống chạy quanh trong nhà bếp của nhà hàng – để chế biến các món vịt được tươi. Rõ ràng là vi phạm luật vệ sinh. Đó là lý do tại sao tôi xấu hổ khi khách du lịch đến đây nhìn thấy và cảm nhận người Việt Nam là như thế đấy“. Cô ấy không muốn đưa tên mình lên báo vì “bố mẹ tôi có nhiều người quen ở đây. Bố mẹ sẽ bị rắc rối nếu tôi nói thế.”
Một người Việt hiện là một nhà khoa học ở Đức cho rằng: “Từ lâu tôi có quan điểm rằng việc mở chợ Đồng Xuân là một sai lầm lớn. Điều này đã không thúc đẩy hội nhập mà thúc đẩy việc thành hình một khu biệt lập bên lề xã hội“.
Không được phép mở nhà hàng và bán lẻ
Khi nói về khu chợ châu Á rộng lớn này, thì luôn luôn có ít nhất hai sự thật.
Ví dụ, đối với người chủ và khách hàng thì đó là nhà hàng, nhưng đối với chính quyền quận thì nó chỉ là căng tin. Bởi vì chợ Đồng Xuân nằm trong một khu vực công thương (Gewerbegebiet), nơi đây khi xưa từng là nhà máy VEB Elektrokohle. Theo luật quy hoạch, nhà hàng không được phép mở ở đây, chỉ được phép mở căng tin phục vụ nhân viên làm việc trong khu chợ này. Bà Birgit Monteiro (thuộc đảng SPD), Ủy viên hội đồng xây dựng quận Lichtenberg cho biết chính quyền quận đã không cấp thêm giấy phép mở căng tin cho khu chợ này. “Mật độ các căng tin tại chợ Đồng Xuân hiện nay có lẽ là dày đặc nhất ở Berlin,” bà Monteiro nói.
Nhu cầu của khách du lịch và người dân là mua hàng giá rẻ, vì thế họ thích đi lướt qua khu chợ này, và đối với người dân địa phương đây là khu chợ đầu mối của họ, nhưng đối với chính quyền quận thì đó là một ngoại lệ trong một phạm vi nhỏ, vì các cửa hàng bán lẻ không được cấp phép hoạt động trong khu vực công thương này. Các cửa hàng tại đây ban đầu được đăng ký kinh doanh là bán buôn (bán sỉ). Đó là khi khu chợ này mở 16 năm trước, dần dần sự thay đổi diễn ra một cách âm thầm. Ngày nay, nhiều chủ cửa hàng rất vui khi một nửa doanh thu của họ là do bán lẻ.
Theo vtc
© 2024 | Thời báo ĐỨC