"Giấc mơ Việt“ trên đất Đức

Giờ đây, thế hệ thứ hai của người Việt đã lớn lên, ước mơ của cha mẹ chúng là dồn hết vào việc học tập của con, mong cho con được vào đại học, trở thành luật sư, bác sĩ hay những nhà quản trị kinh doanh, có được một cuộc sống bình yên, có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch, không phải đầu tắt mặt tối, làm việc tới 12-14 giờ một ngày để kiếm tiền như cha mẹ chúng.

 Cộng đồng người Việt ở Đức có những đặc điểm khác hẳn cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia khác, coi như có hai mảng cộng đồng, tạm gọi là thế hệ Việt kiều trước khi nước Đức thống nhất năm 1990 ở Tây Đức và thế hệ Việt kiều sau năm 1990, hình thành từ những người công nhân hiệp định ở CHDC Đức trước đây, gia quyến họ được đưa sang theo diện „đoàn tụ gia đình“ và những người sang Đức bằng nhiều con đường khác nhau sau năm 1990.

Trong khuôn khổ bài báo này, tôi chỉ tập trung vào những „giấc mơ“ của thế hệ Việt kiều sau năm 1990.

Gọi chung là „công nhân hiệp định“, nhưng những người sang CHDC Đức trong diện hợp tác lao động không chỉ là công nhân, mà còn có những người từng tốt nghiệp đại học, thậm chí trên đại học ở Đức hoặc ở Việt Nam, hoặc ở các nước khác được chọn sang để làm đội trưởng hoặc phiên dịch cho các đội lao động.

Trong thời gian làm việc ở CHDC Đức, vì hợp đồng lao động chỉ có thời hạn, sau khi hết hạn hợp đồng là về nước, không được phép đưa gia đình sang ở cùng, không được phép sinh con ở Đức, phụ nữ mang bầu sẽ bị đuổi về nước, vì vậy „giấc mơ“ của những người sang Đức theo diện hợp tác lao động khi đó cũng rất khiêm tốn và ngắn hạn:

Ngoài đồng lương khá hạn chế trong các nhà máy, xí nghiệp, ai cũng cố tìm cách kiếm thêm tiền để làm vốn khi về nước. Những người có nghề may thì may quần áo, đặc biệt là quần bò cho người Đức.

Giấc mơ Việt“ trên đất Đức  - 0

Có được một nhà hàng ngoài phố là giấc mơ của nhiều người Việt trên nước Đức

Thời gian đó, muốn nhập quần bò thì CHDC Đức phải bỏ ngoại tệ mạnh ra mua nên rất khan hiếm và đắt đỏ. Nhiều khu nhà ở của người lao động Việt Nam đã trở thành „xưởng may“ ngoài giờ.

Nhiều người Đức biết chỗ thì rủ bạn tới may hoặc một số người Việt mang thước tới „bắt số đo“ ngay tại xí nghiệp của mình.

Một số người quan hệ tốt có thể móc ngoặc với các cửa hàng vải để mua cả súc vải bò về „phân phối lại“ kiếm lời. Nhiều người khác có thể tham gia mạng lưới „mua đi, bán lại“ một số mặt hàng của phương Tây được nhập theo dạng „tiểu ngạch“ như băng cassette, máy cassette, mỹ phẩm, rượu ngoại… để có thêm thu nhập.

Sau khi kiếm được tiền, „giấc mơ“ của đa số người Việt tại CHDC Đức chỉ là làm sao đi „săn“ để mua được xe máy Simson Mokick với những màu được trong nước ưa chuộng theo xếp hạng „Nhất Đỏ, nhì Xanh, tam Chanh, tứ C…“ và làm sao để gửi về nước trót lọt, vì Hải quan Đức cũng hạn chế số lượng xe máy mà người Việt được phép gửi về.

Những hàng hóa của Đức được người Việt trong nước thời đó ưa chuộng sau xe máy Simson là xe đạp Mifa, áo lông, phim giấy ảnh ORWO…

Sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, ngoài những người nhận tiền đền bù 3.000 DM để về nước, những người còn ở lại chưa biết có được lưu trú lâu dài hay không nên lao vào kiếm tiền, chủ yếu buôn bán thuốc lá lậu, băng nhạc cassette giả…

Đến khi gia hạn lưu trú, những người phạm tội vì buôn bán lậu, chỉ được quy chế „tạm dung“ (Duldung) vài tháng một thì mơ ước có được giấy phép lưu trú mang tính chất nhân đạo là Befugnis có giá trị 2 năm, được phép kinh doanh tự lập, nhưng chỉ ở 5 bang miền Đông.

Những người đã có giấy phép lưu trú Befugnis thì mong muốn có được giấy phép lưu trú Erlaubnis có giá trị 3 năm, không bị hạn chế về địa điểm kinh doanh ở các bang miền Đông hay miền Tây, rồi mơ ước cao hơn nữa là Erlaubnis vô thời hạn rồi quyền được cư trú Berechtigung, hầu như không bị hạn chế gì nữa, như Niederlassungserlaubnis bây giờ.

Khi nước Đức mới thống nhất, những công nhân hiệp định trước đây phải đi làm thuê, mơ ước của họ là một lúc nào đó sẽ kiếm đủ vốn để được làm „ông, bà chủ“.

Những người đi theo ngạch dịch vụ ăn uống thì mơ ước từ nhỏ tới lớn, ban đầu chỉ mơ có được một cửa hàng ăn nhanh (Imbiss), rồi mơ tới một quán ăn nhỏ (Bistro), cao hơn là có được một nhà hàng lớn.

Một số người đã cùng nhau xây dựng, phát triển thành một chuỗi nhà hàng ở nhiều trung tâm thương mại, nhà ga ở nhiều địa phương trên nước Đức cho tới các nước lân cận.

Nhiều người đã thực hiện được ước mơ trở thành „ông, bà chủ“ với những cửa hàng bán hoa, tiệm Nails, bán quần áo…

Mặc dù thu nhập được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí cửa hàng, ngành hàng…

Nhưng nhiều người đã nhận thức được rằng làm „ông, bà chủ“ không hề dễ và cũng phải đầu tắt, mặt tối mới mong duy trì được hoạt động và thu nhập của doanh nghiệp mà mình mơ ước và theo đuổi.

Khi mới kiếm được tiền, nhiều người tìm cách gửi tiền về Việt Nam, mơ ước mua được một ngôi nhà khang trang để sau này về Việt Nam an hưởng tuổi già.

Nhưng giờ đây, sau trên dưới 30 năm trên nước Đức, tuổi già xồng xộc tới trước cửa, nhiều người thậm chí đã ra đi mãi mãi mà không chờ tới cái tuổi được „hưởng thọ“, mà chỉ được „hưởng dương“.

Nhiều người giật mình nghĩ lại, xác định sẽ phải sống ở Đức khi tuổi xế chiều, vì con cái không chịu về Việt Nam, dịch vụ y tế ở Đức lại tốt hơn nhiều so với ở Việt Nam.

Thế là nhiều người lại tìm cách chuyển tiền sang Đức với giấc mơ mua được một ngôi nhà riêng, hoặc một nhà liền kề, thậm chí là một căn hộ riêng để sống yên ổn sau nhiều năm bươn chải kiếm tiền mà không xác định được trọng tâm cuộc sống của mình là ở đâu, ở Đức hay ở Việt Nam.

Giờ đây, thế hệ thứ hai của người Việt đã lớn lên, ước mơ của cha mẹ chúng là dồn hết vào việc học tập của con, mong cho con được vào đại học, trở thành luật sư, bác sĩ hay những nhà quản trị kinh doanh, có được một cuộc sống bình yên, có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch, không phải đầu tắt mặt tối, làm việc tới 12-14 giờ một ngày để kiếm tiền như cha mẹ chúng.

Mặc dù đây cũng là một giấc mơ giản dị, nhưng cũng không phải dễ dàng mà có được.

 

Văn Long 

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày