Nhưng thật oái oăm, nhà máy I Fa hoạt động được hơn một năm thì thương hiệu I Fa không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Dây chuyền sản xuất đã cũ kĩ và lạc hậu, nhất là I Fa kém hẳn về hình thức và phụ kiện trang bị nội thất so với các hãng ô tô khác như Mercedes hay Volkswagen. Nhà máy bậc nhất Đông Đức xưa, phải khai tử để bán đất, xưởng cho những hãng ô tô công nghệ tiên tiến khác.
Khi những cần cẩu khổng lồ và xe ủi tiến vào giải phóng mặt bằng nhà máy cũ, cũng là lúc vài ngàn công nhân Đức thất nghiệp, trong số đó có chàng trai Đức, chồng của Hồng.
Dây chuyền công nghệ mới đòi hỏi nhân lực phải đào tạo lại và nhà máy với thiết bị tiên tiến cần rất ít công nhân, làm số người bị đào thải dôi ra rất nhiều.
Chồng Hồng nằm trong số những kẻ kém may mắn.
Dăm lần bảy lượt dự tuyển vào nhà máy mới đều bị trượt, bởi người ta ưu tiên cho thợ trẻ. Anh hơn ba chục tuổi, đã là già ở Đức. Điều đó làm chồng Hồng chán nản.
Những quán bia nhan nhản trong thị trấn trở thành nơi tụ bạ và giải sầu cho những kẻ “ăn không ngồi rồi” như anh.
Con người ta, Đức hay Việt đều có những kẻ thật lạ. Bình thường khi chưa có hơi men, Hồng được chồng chăm sóc chiều chuộng, nâng niu lắm nhưng hễ có hơi men là anh ta biến thành kẻ khác.
Không ai biết trong căn nhà gần như biệt thự bốn phòng ấy lại giam hãm một “đóa hoa” đầy nín nhịn.
Hồng phải chịu đựng những trận đòn quái ác mỗi khi anh chồng sặc sụa hơi men trở về. Để một ngày, dân cư quanh đó tá hỏa khi thấy một cô gái mặt mày thâm tím chạy tất tưởi về hướng khu nhà Việt Nam.
Đêm ấy, Hồng kể nỗi niềm của mình cho vài người bạn Việt Nam của cô. Không thể sống tôi mọi như thế, đây là nước Đức văn minh và quyền phụ nữ được đề cao. Sớm hôm sau nữa, Hồng và vài người Việt có mặt tại Ủy ban phụ nữ và trẻ em thị trấn.
Người ta căm phẫn khi nhìn thấy những vết thâm tím trên khuôn mặt của người phụ nữ Việt nhỏ nhắn.
Hai tháng sau, một phiên tòa được mở ra để bênh vực cô gái trẻ và cắt đứt một duyên tình.
Ngọn lửa ấm áp của hạnh phúc chỉ sưởi “đóa hồng” của chúng ta vừa vặn ba năm trong xứ sở tuyết giá vào mùa đông.
Thời gian ấy, nhà cửa phía Đông Đức vẫn còn khan hiếm, nhưng thành phố tôn trọng ý kiến của Ủy ban phụ nữ và trẻ em, cấp cho Hồng một căn hộ hai phòng.
Nhưng sống thế nào trong căn hộ ấy một mình sau cú sốc đau đớn?
Hồng trả lại căn hộ và xin về khu Việt Nam ở. Dù sao chăng nữa, mỗi thứ Bảy và Chủ Nhật, khi anh em Việt Nam trở về, các buổi tối quanh Hồng cũng ấm áp hơn chút ít. Nhưng đấy chỉ là một mặt, mặt thứ hai của đời sống tâm lí lại giày vò cô gái đơn thân, xưa đã gầy gò, nay càng mỏng như “lá lúa”.
Quanh Hồng bấy giờ là các cặp đôi đã “hoàn chỉnh”, họ ríu rít buôn bán, đi lại, mua sắm và hạnh phúc. Tôi đã nhìn thấy Hồng chập chờn như một bóng ma trong hành lang vắng ngắt vào mùa đông năm ấy, giữa khu nhà hai tầng.
Tất cả người Việt Nam quanh cô đều hối hả lao vào cuộc mưu sinh kiếm cho thật nhiều tiền, nên cũng khó giúp cô ngoài vài câu động viên thăm hỏi. Ngồi với Hồng trong gian phòng kê một giường đơn, tôi không biết nói gì hơn khi nhìn đôi vai gầy nhô lên trong cái áo khoác len mỏng.
Giọng cô chẳng còn êm dịu như “làn gió hát” năm nào. Nó tức tưởi và dấm dứt, Hồng kể về những ngày cả khu nhà như một “nấm mồ, tất cả đều ra chợ, chỉ mình cô ở nhà: “Sao ngày nào em cũng lang thang trong thành phố được?”, Hồng đau đớn nhìn tôi tự hỏi.
Tôi hiểu câu nói ấy. Nhất là khi đồng hương phương Nam của cô chả còn ai, mà thời bấy giờ ở Đức chưa có điện thoại cầm tay phổ biến, người Việt ở Đức cũng chưa sử dụng intenet thì Việt Nam là ngàn trùng thăm thẳm.
Tại sao cô không trở về quê hương theo lời khuyên của tôi? Có phải cô cũng sĩ diện như nhiều người Việt khác, sợ mang tiếng đi Tây mà chả giàu có để về quê hương với cái mác Việt Kiều? Hay là cô quá lưu luyến với cái xứ sở giàu có và chính sách bảo hiểm dân sinh bảo đảm này?
Tôi không hiểu cô nghĩ gì nhưng tôi luôn tin rằng, cô cũng như tôi và nhiều người Việt khác, nhớ và yêu quê hương.
Bằng chứng là hai lần tôi tới thăm, Hồng đều bật nhè nhẹ cái băng catsette “Bèo dạt mây trôi” ăm ắp những bài hát về quê nhà. Lại còn băng nhạc sáu câu vọng cổ mà ai nghe cũng muốn òa khóc trong đêm mưa xa xứ.
Hồng đã treo cổ tự vẫn sau đó nửa năm khi không chịu được những áp lực trong khu nhà Việt Nam, cô đã xin ra ở một mình trong một căn hộ hai phòng. Tôi không biết chính xác nguyên nhân nào đẩy cô đến quyết định bi thảm ấy, nhưng chắc chắn cô không chết vì tiền.
Bởi mặc dù cô không đi buôn như những người khác vì sức khỏe và không có bạn trai, nhưng cô vẫn được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp loại II của sở lao động.
Hơn nữa, khi mở tài khoản ngân hàng của cô theo quyết định của tòa án, người ta thấy cô vẫn còn hơn 5.000 D.m. Đấy là một số tiền không nhỏ vào thời điểm giữa những năm 90.
Đám tang Hồng chỉ hơn hai chục người Việt và vài bạn Đức ở thị trấn mà cô quen biết sơ sơ.
Cái lọ tro gốm màu lục bé, thả chầm chậm xuống huyệt mộ trong tiếng gió thì thào và nắng vàng ươm trên các ngọn cỏ non xanh. Thế là xong một “kiếp Hồng”. Thế là lọ tro xứ lạ đang che chở một “đóa hồng” đem cô vào lòng đất, không phải quê hương.
Bây giờ khi tôi viết những dòng này thì ở Đức đã có rất nhiều Hội đoàn Việt Nam hình thành, chứ không như khi Hồng tự vẫn, chưa có hội đoàn nào để chia sẻ và giúp nhau khi hoạn nạn.
Cho nên ở đâu cũng thế, nhất là khi bạn bước ra một thế giới hoàn toàn xa lạ, xa cách cha mẹ, người thân, con người phải có đồng loại, phải có bè bạn thân thiết.
Và có thể lắm chứ, nếu Hồng có ai đó ở gần hiểu cô, chắc sẽ giúp cô vượt qua được sự trầm cảm dẫn đến nghĩ quẩn, bởi vì cái quý giá nhất trên đời này vẫn là cuộc sống.
© 2024 | Thời báo ĐỨC