Lòng tốt giản dị trong mùa dịch Covid-19

Nước Đức tuy là một cường quốc giàu có, nhưng vấn nạn những người già đã về hưu lại không đủ thu nhập sinh sống khá nhiều.

Năm 2020 này đang và sẽ là một năm đặc biệt đối với toàn thế giới loài người chúng ta – tất cả những gì bình thường nhất, đơn giản nhất đều không còn là bình thường, là đơn giản nữa.

Một tiếp xúc nhỏ vô ý có thể thành hành động hại người. Một chiếc khẩu trang mỏng manh được trao đi dễ dàng trở thành hành động cứu người. Nhưng giữa những lo sợ, những buồn vui, những đau đớn và hi vọng … chúng ta vẫn nhận thấy sự chung tay đồng lòng, tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, bất kể màu da hay sắc tộc, bất kể giàu – nghèo, ngay trên nước Đức – “quê hương thứ hai” của rất nhiều người Việt.

Đó là những tổ may khẩu trang của người Việt để quyên góp cho bệnh viện, các viện điều dưỡng, nhà dưỡng lão … rải rác khắp nơi, từ Berlin đến Dresden và còn xa hơn, nhiều nơi nữa. Những người không có thời gian hoặc điều kiện thì quyên góp chút tiền, vải vóc, dây chun ủng hộ, hoặc chỉ may tặng cho hàng xóm quanh nơi ở.

Hiện giờ, những người không cần may khẩu trang nữa thì lại đăng ký với các vườn cây, các khu nông trại để giúp nông dân Đức thu hoạch vụ mùa.

Bởi từ khoảng hai tháng nay, sau khi các nước Châu Âu đóng cửa biên giới và vì đại dịch nên những người lao động theo mùa (thường giúp thu hoạch rau, hoa quả) không còn đi lại được và cũng không thể làm việc. Nhiều nông trại gặp khó khăn lớn. Không chỉ vậy, nhiều quán ăn của người Việt và người Đức cũng như người nước ngoài khác thường nấu ăn, quyên tặng cho các bác sỹ, y tá đứng chống dịch ở đầu “chiến tuyến” … Tất nhiên, người Đức không ngồi không. Cũng có rất nhiều người may khẩu trang quyên góp.

132 1 Long Tot Gian Di Trong Mua Dich Covid 19

Bên cạnh đó, họ còn tổ chức những hội đoàn nhỏ để giúp đỡ hàng xóm láng giềng như đi chợ hộ các ông bà già, dọn rác. Ở vài thành phố lớn như Berlin, Hamburg, nhiều người Đức tổ chức hoạt động giúp người vô gia cư như kêu gọi mọi người quyên góp. Mỗi tuần sẽ đem tiền tặng cho đội ngũ người ăn xin, lang thang trong thành phố hoặc nấu cho họ bữa ăn nóng. Hoặc ví dụ tại Mainz, thành phố cho dựng một khu phòng ở từ các container, để người vô gia cư vào nghỉ ngơi, tắm rửa. Thậm chí còn cử bác sỹ đến khám bệnh miễn phí, phát thêm bánh mỳ kẹp, hoa quả. Khu nhà này đã có từ nhiều năm nay, đặc biệt thời điểm này càng có ý nghĩa hơn. Không những vậy, Bộ Xã Hội và Y Tế tại Mainz đã phản ứng rất nhanh và đề nghị một số nhà trọ, khách sạn hiện phải đóng cửa thì dành chỗ cho người vô gia cư ở tạm.

Tại Hamburg, bể bơi trong nhà nằm ngay trong khu phố đèn đỏ St. Pauli thì – theo đề nghị của cơ quan xã hội – đang mở cửa cho người vô gia cư vào tắm rửa và làm vệ sinh, dạy họ cách phòng chống dịch. Giờ mở cửa sẽ vào thứ hai, thứ tư và thứ bảy hàng tuần, từ 10 đến 14 giờ. Tất nhiên, chỉ dành cho việc giúp người lang thang, cơ nhỡ. Một số nhà tình thương và nhà trọ tại Hamburg cũng đã noi theo gương của bể bơi này.

Trong thời kỳ chống dịch, họ cũng thuộc một trong các đội ngũ dễ gặp nguy hiểm nhất, không chỉ vì sức khoẻ, mà cả cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Nhiều hiệp hội giúp đỡ người về hưu như LichtBlick e.V. tại München đã cung cấp thực phẩm và nhiều đồ gia dụng cho họ. Một số siêu thị bán sỉ thực phẩm như Hamberger (thông thường họ vận chuyển đồ cho các nhà hàng, khách sạn) đã kết hợp với hiệp hội LichtBlick để mỗi ngày vận chuyển gần 300 kiện hàng to nhỏ quyên tặng cho người về hưu nghèo trong München và quanh vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, rất nhiều hội đoàn, tổ chức của Đức kêu gọi các cháu nhỏ và gia đình, cùng giúp các cháu viết thư hoặc vẽ tranh cho các cụ, các ông bà già trong viện dưỡng lão từng nơi.

Vì tình trạng dịch bệnh lây lan, các ông bà từ 60 tuổi trở lên thuộc đội ngũ những người dễ bị truyền nhiễm và bệnh nặng. Những cụ và ông bà ở trong viện dưỡng lão không được gặp con cháu mình, chỉ trông chờ vào những cuộc điện thoại hoặc lá thư thăm hỏi. Có lẽ không khi nào họ cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi như lúc này. Họ thật sự cần rất nhiều tình cảm yêu thương, ủng hộ và quan tâm. Và những bức thư động viên chân thành, những bức tranh rực rỡ sắc màu, dù là của người lạ, cũng khiến họ thấy ấm áp cõi lòng, tiếp thêm sức mạnh giúp nhau bước qua giai đoạn khó khăn hiện giờ. Người cho đi sẽ cảm thấy mình có ích. Người nhận về sẽ cảm thấy biết ơn và cũng mong muốn được đóng góp phần sức nhỏ mọn của mình.

Có thể kể ra rất nhiều ví dụ, rất nhiều tấm gương sống đẹp, sống tốt như vậy. Lễ Phục Sinh này là một kỳ lễ đặc biệt – không chỉ bởi ý nghĩa của chính nó, càng không vì một con virus mắt thường của chúng ta không thấy được, mà chính bởi những tấm lòng nhân hậu, nhỏ bé và giản dị thế này.

Cẩm Chi


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày