Người Việt ở Đức hãy từ bỏ những toan tính manh mún, chụp giật

Cộng đồng người Việt ở Đức nói chung được phía Đức đánh giá là hội nhập tốt, một số nhà doanh nghiệp đã thành công trong việc xây dựng trung tâm thương mại, chuỗi nhà hàng ăn uống và chuỗi cửa hàng Nails.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn những suy nghĩ, toan tính manh mún, chụp giật, cản trở sự phát triển lâu dài.

Người Việt ở Đức hãy từ bỏ những toan tính manh mún, chụp giật - 0

Toàn cảnh TTTM Đồng Xuân nhìn từ trên cao.

Đầu những năm 1990, sau khi nước Đức thống nhất, khoảng 30% người Việt trong diện „hợp tác lao động“ khi đó, tức là khoảng 15.000 tới 20.000 người đã không nhận 3.000 DM đền bù, mà quyết định ở lại Đức, đương đầu với tương lai vô định, vì công ăn việc làm không còn, chưa biết Chính phủ Đức có cho ở lại lâu dài hay không. Thời gian đó, xã hội ở miền Đông nước Đức chưa ổn định, nhưng việc kiếm tiền của người Việt lại tương đối dễ, nên nhiều người đã có một số vốn nhất định chỉ trong một thời gian ngắn. Một số người đã chuyển tiền về nước để giúp đỡ gia đình và mua nhà, mua đất. Một số người khác đầu tư vào công việc kinh doanh như nhà hàng ăn nhanh (Imbiss, Bistro) hoặc nhà hàng (Restaurant), hoặc kinh doanh các mặt hàng khác…

Sau khi kinh doanh có lãi, nhiều người cũng lại chuyển tiền về nước để mua nhà, mua đất với ý định khi nhiều tuổi sẽ về nước an dưỡng tuổi già. Giờ đây, hơn 25 năm sau khi nước Đức thống nhất, những năm thanh, nữ tú năm nào giờ đây đã trên, dưới 50 tuổi, con cái sinh ra và lớn lên trên nước Đức, dù có mang quốc tịch Đức hay Việt Nam thì chúng đã là người Đức trong tư duy và nếp sống. Hầu hết các bậc cha mẹ đã không còn nghĩ tới việc để con ở lại Đức và mình trở về Việt Nam nữa, phần vì sợ sẽ nhớ con, cháu, phần thì nghĩ rằng dịch vụ y tế ở Đức tốt hơn hẳn Việt Nam.

Người ta thường nói đùa, đàn ông thì „Ham nhà to, thích vợ bé“. Nhiều người lại rơi vào tình huống trớ trêu: Vợ bé thì chẳng biết có hay không, nhưng họ đã mua đất, xây nhà ở Việt Nam rất lớn, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới về ở, có khi còn phải thuê người trông, nhà ở Đức thì phải đi thuê, chịu ở chật chội vì sợ tốn tiền, có những người lại thuộc „Quân đoàn IV“ thì cũng không được phép ở căn hộ rộng, trong khi đó, tuổi già xồng xộc đến. Có những người kinh doanh cũng khá, nhưng vì lý do này khác mà không thể mua nhà hay mua sắm những thứ đắt tiền, vì trên danh nghĩa, họ thu nhập không nhiều. Cũng vì vậy, họ không thể đầu tư mở rộng kinh doanh.

Trong cộng đồng người Việt ở Đức cũng có nhiều giám đốc các doanh nghiệp làm ăn lớn, thành đạt như TTTM Đồng Xuân, các công ty Thăng Long, Mai Mai, Mr. Bình Định, Asia Gourmet, Maica… có khai thuế và đóng thuế nghiêm chỉnh nên có thể mua nhà, mua xe hơi và đồ đạc đắt tiền mà không sợ sở thuế nhòm ngó, khi cần có thể vay tiền của ngân hàng để đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng muốn làm ăn lớn, lâu dài, người ta nên từ bỏ những toan tính manh mún, chộp giật để có thể có vốn liếng đàng hoàng đầu tư tái sản xuất mở rộng.

Theo THOIBAO.DE


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày