Tượng đài trong lòng dân hay tượng đồng phơi giữa lối mòn!

Các vị chánh án hãy là một chân dung “thanh thiên” trong lòng dân. Cho nên, đúc tượng chỉ là hình thức, tốn kém và chưa hẳn đã mang lại nhiều ý nghĩa.

1 Tuong Dai Trong Long Dan Hay Tuong Dong Phoi Giua Loi MonVua còn một tay đỡ giơ cao cái “cân công lý” (vốn đạo từ tượng thần Công lý của châu Âu)- nhưng tại sao không giơ cao cuốn sách “bộ Hình luật đầu tiên”?

Ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m đặt tại Quảng trường Công lý – Trụ sở mới của Tòa án nhân dân Tối cao, số 43 Hai Bà Trưng (Hà Nội), còn xây dựng nhiều bức tượng bán thân các cố Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Đó là thông tin rất được quan tâm sau thông tin dựng tượng vua Lý Thái Tông.

4 cố Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao gồm các ông Trần Công Tường (giai đoạn 5.1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5.1959-5.1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).

Nhưng các tòa án nhân dân khác cũng có chánh án, vậy thì họ cũng có thể được đúc tượng trong khuôn viên của tòa án địa phương. Có một cái lý đương nhiên, nếu đã tôn vinh chánh án, thì không phân biệt là ở tòa án cấp nào. Chẳng lẽ chỉ có Chánh án của Tòa án nhân dân tối cao mới tinh thông pháp luật, mới công tâm, liêm chính, liêm khiết?

Xin thưa rằng, sự tinh thông pháp luật và đạo đức của chánh án không phân biệt chỗ ngồi cao thấp. Thực tế, cũng khó để đo lượng được sự thanh liêm để đánh giá ai cao ai thấp.

Và rồi, nhiều ngành khác cũng sẽ đúc tượng cho quan chức của mình. Ngành giáo dục có thể đúc tượng Chu Văn An làm biểu tượng như ngành tòa án đúc tượng vua Lý Thái Tông, và cũng có thể đúc tượng các bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo qua các thời kỳ.

Ngành Y tế cũng vậy, tại sao họ không có quyền đúc tượng các bộ trưởng của ngành y? Quân đội, công an lẽ nào không thể đúc tượng các cán bộ lãnh đạo hay các vị tướng lỗi lạc như ngành tòa án đúc tượng các chánh án?

Thế là trăm hoa đua nở, thế là tượng đài từ to đến nhỏ xuất hiện khắp mọi nơi trên đất nước này, và thế là ngân sách oằn lưng chi phí cho các loại tượng đài và tượng quan chức.

Đất nước còn có quá nhiều việc để làm, hãy dành tâm trí, tiền của lo cho dân, đó chính là cách thể hiện lòng biết ơn đối với những người đi trước, những danh nhân, những cán bộ có công với nước với dân.

Hãy là tượng đài trong lòng dân, không phải là tượng đồng phơi giữa lối mòn.

“Mong manh áo vải hồn muôn trượng.

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”

(Bác ơi – Tố Hữu).

Theo Báo Lao Động


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày