Vì sao nữ binh sĩ Ukraine đi giày cao gót khi tập luyện?

Việc đi giày cao gót trong quân đội ẩn chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện sự mạnh mẽ cho phụ nữ.

Các nữ binh sĩ Ukraine sẽ buộc phải diễu hành với đôi giày cao gót trong cuộc duyệt binh vào tháng 8. Những bức ảnh đang lan truyền trên các diễn đàn cho thấy phái đẹp tập luyện trong bộ quân phục rằn ri màu xanh lá cây của quân đội và đôi giày cao gót màu đen.

Điều này nhận về nhiều ý kiến trái chiều, không chỉ riêng cộng đồng mạng ở Ukraine. Theo báo cáo của AFP, Olena Kondratyuk - phó phát ngôn viên của cơ quan lập pháp Ukraine - cho rằng các nhà chức trách nên công khai xin lỗi vì đã "làm nhục" phụ nữ.

1 Vi Sao Nu Binh Si Ukraine Di Giay Cao Got Khi Tap Luyen

Các nữ binh sĩ Ukraine đang luyện tập bằng giày cao gót. Ảnh: AFP.

"Nó hơi khó hơn so với ủng quân đội nhưng chúng tôi đang cố gắng", một nữ binh sĩ bày tỏ.

Kylie Knott của SCMP cho rằng đằng sau hình ảnh này ẩn chứa ý nghĩa lịch sử. Những đôi giày cao gót không phải ngẫu nhiên xuất hiện để "làm khó" binh sĩ.

Tượng trưng cho sức mạnh

Giày cao gót quân đội có thể bắt nguồn từ Iran vào thế kỷ thứ 10. Những người lính mang nó để giúp giữ chân họ nhằm bắn cung thật chính xác.

Các bức chân dung Louis XIV của Pháp - người lên ngôi vào năm 1643 và trị vì trong 72 năm 110 ngày - cho thấy ông cũng mang một đôi cao gót.

Theo nhiều tài liệu, ông chỉ cao 1,63 m. Đôi giày cao gót giúp ông có chiều cao nổi bật và trông mạnh mẽ hơn.

2 Vi Sao Nu Binh Si Ukraine Di Giay Cao Got Khi Tap Luyen

Bức chân dung Louis XIV của Pháp cho thấy ông mang giày cao gót. Ảnh: SCMP.

Đỉnh cao của quyền lực

Bộ sưu tập giày nổi tiếng nhất có thể là của bà Imelda Marcos - cựu đệ nhất phu nhân Philippines. Khi những người biểu tình xông vào cung điện Malacanang - dinh thự của tổng thống ở thủ đô Manila, gần 3.000 đôi giày, chủ yếu là cao gót, được thiết kế riêng đã được phát hiện trong tủ quần áo lớn.

3 Vi Sao Nu Binh Si Ukraine Di Giay Cao Got Khi Tap Luyen

Cựu đệ nhất phu nhân Philippines - Imelda Marcos - xem bộ sưu tập giày của mình tại bảo tàng giày Marikina. Ảnh: AFP.

Ngày nay, hàng trăm chiếc đang được trưng bày tại bảo tàng giày ở thành phố Marikina, Philippines. Trong số đó có cả đôi yêu thích của bà. Thiết kế màu đen đính đá lấp lánh được làm bởi thợ đóng giày người Italy - Beltrami.

Những cuộc chiến chống lại giày cao gót

Một chiến dịch có tên "Walk a Mile in Her Shoes" đã được tổ chức trên khắp thế giới từ năm 2001 để nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục. Nó yêu cầu đàn ông đi giày cao gót của phụ nữ như cách để đối đầu với định kiến ​​giới.

Các tạp chí thời trang cho rằng nhiều phụ nữ hiện thích đi giày cao gót hơn sau nhiều tháng ở nhà do dịch Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong môi trường công sở ở Nhật Bản.

Takumi Nemoto - bộ trưởng Y tế và Lao động Nhật Bản - cho biết việc tổ chức chiến dịch truyền thông xã hội là rất cần thiết. Nó sẽ giúp chống lại kỳ vọng phụ nữ mang giày cao gót ở nơi làm việc.

4 Vi Sao Nu Binh Si Ukraine Di Giay Cao Got Khi Tap Luyen

Chiến dịch "Walk a Mile in Her Shoes" yêu cầu nam giới đặt mình vào vị trí của phụ nữ. Ảnh: EPA.

Sau đó, hàng nghìn người đã hưởng ứng tham gia phong trào #KuToo (kutsu là từ tiếng Nhật chỉ đôi giày và kutsuu cho nỗi đau).

Thierry Frémaux - giám đốc Liên hoan phim Cannes - cũng gây tranh cãi về vấn đề giày cao gót vào năm 2015. Ông buộc phải xin lỗi sau khi một số phụ nữ bị từ chối vào thảm đỏ vì không đi giày cao gót.

Theo: ZING.VN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày