Phim truyền hình trên VTV đang gây ức chế cho khán giả như thế nào?

Cái mô típ ngớ ngẩn đầu tiên mà các biên kịch VTV hay dùng là không cho nhân vật quyền giải thích, cứ có chuyện gì đó xảy ra, nhân vật muốn giải thích thì lại bị chặn họng bởi những lý do vớ vẩn, nào là “thôi không phải giải thích”, “anh/em/tôi không muốn nghe”, kéo theo đó là phát sinh ra drama và kéo khán giả mệt mỏi.

Nói thẳng ra ngoài đời ví dụ bị ngoại tình thì chả nhảy lên mà giải thích đối chấp, đằng này cứ im lặng chịu trận, khóc thầm, nói đạo lý… Rồi sau này phim sẽ diễn biến là mọi chuyện không phải như thế đâu, nhân vật đã được giải oan…

Ví dụ như bộ "Gia đình mình vui bất thình lình", cả Danh và Trâm Anh đều vướng vào cái vấn đề “không được giải thích”.

Danh thì không nói ra cái suy nghĩ trong lòng, sống trong nghi ngờ, Trâm Anh thì cũng chẳng phân bua, lại ôm trong lòng…

1 Phim Truyen Hinh Tren Vtv Dang Gay Uc Che Cho Khan Gia Nhu The Nao

Như bộ "Món quà của cha" mới đây, khi nhân vật Nghĩa giải thích mối quan hệ với cô nhân viên vật lý trị liệu thì vợ cũng gạt đi, không cho giải thích. Bộ "Làng trong phố" cũng lạm dụng điều này, khi nhân vật Hiếu cũng không cho vợ quyền giải thích mối quan hệ với quản đốc, vợ thì vừa nói đã bị chặn họng lại…

Trước đó điều này đã diễn ra ở những bộ như "Dưới bóng cây hạnh phúc", "Đừng nói khi yêu", "Sống chung với mẹ chồng"… Cái câu “mọi chuyện không như anh/em/mọi người nghĩ đâu” lặp đi lặp lại một cách rất nhàm như là để cố tạo ra xung đột và mâu thuẫn.

Cảm giác như nếu không có câu đó thì biên kịch chẳng biết làm gì để tạo ra các mâu thuẫn trong kịch bản phim.

Một điều gây bức xúc nữa là nhiều bộ phim có phần đầu rất chỉnh chu. Nhưng khi có được lượng người xem nhất định thì bắt đầu cố tình kéo dài, thậm chí lê lê thê. Dĩ nhiên, việc kéo dài phim để tranh thủ sức nóng và thu lợi quảng cáo là không sai. Nhưng điều này lại vô tình phá hỏng rất nhiều tác phẩm đáng nhẽ ra có thể xuất sắc.

"Thương ngày nắng về" kéo dài từ hơn 40 tập thành 54 tập, "Cả một đời ân oán" cũng kéo dài lên tới 72 tập phim, "Đấu trí" từ dự kiến 50 tập lên tới 74 tập. “Siêu phẩm” "Hương vị tình thân" tăng từ 120 tập lên tới 136 tập và bộ phim nóng nhất hiện nay là "Gia đình mình vui bất thình lình" lúc đầu công bố 26 tập giờ, sau đó điều chỉnh lên tới 40 tập, rồi chốt hạ là 56 tập.

Đến một phim được đánh giá khá tích cực là "Cuộc đời vẫn đẹp sao" cũng phải kéo dài thêm chục tập để giải quyết drama liên quan đến nhân vật Bát nhưng thật may là giải quyết và kết thúc nhanh gọn hơn các bộ khác…

Chính hành vi này khiến các bộ phim đáng nhẽ có thể trở thành những sản phẩm tốt trở thành “đầu voi đuôi chuột”. Thứ được lớn nhất là những cuộc tranh cãi của khán giả trên mạng xã hội và tiền quảng cáo cho nhà đài.

Phim truyền hình VTV còn xây dựng những nhân vật rất khó hiểu, trời ơi đất hỡi và thậm chí là phi thực tế. Cậu con trai Thạch là thủ khoa của trường đại học, học giỏi có tiếng nhưng khi bí tiền chỉ biết đi làm rửa bát thuê và phục vụ. Trong khi ngoài đời mang cái mác thủ khoa thì không hết nơi nhận về dạy thêm.

Nhân vật Khánh trong "Thương ngày nắng về" thì bị đánh thuốc mê bằng khăn tay khi ngồi trên xe (đến năm 2023 rồi mà còn sử dụng tình tiết phi thực tế như thế này).

Rồi khi bị cả gia đình bắt quả tang bị xâm hại trong nhà nghỉ thì không làm gì để giải oan, chỉ biết nói mồm là phải tin này kia. Trong khi chỉ cần đến trình báo công an thôi là vài ngày là giải quyết xong vụ việc lấy lại danh dự, để mặc bản thân, người nhà phải sống trong khổ sở.

Ngoài đời thì có cái nịt nhé. Nhân vật Đức là chồng của Khánh trong phim, khi biết bị ung thư là bắt đầu diễn vai trò cao thượng là bỏ vợ, giải thoát cho vợ. Đây là mô típ của những phim Hàn Quốc ở hơn chục năm về trước….

Nhân vật Công trong "Gia đình mình vui bất thình lình" được xây dựng rất bất nhất, lúc lên lúc xuống. Đầu phim thì vô duyên, vô tình, không để ý vợ, sau đó thì qua các hành động chăm sóc khi vợ có bầu thì được tung hô là mẫu người đàn ông của gia đình. Sau đó vợ bị mất thai lần ba thì quay qua bỏ mặc vợ rồi ly hôn… Thậm chí còn có tin đồn là nhân vật Công bị bệnh hiểm nghèo nên buông tha cho vợ tìm hạnh phúc mới, rồi sau này hai vợ chồng sẽ quay lại với nhau, gỡ bỏ mọi hiểu lầm (?)

Phim truyền hình trên VTV dường như đang truyền đi những năng lượng độc hại, tiêu cực, sẵn sàng theo đuổi drama và bi kịch hóa đến tận cùng nhân vật. "Thương ngày nắng về" từ một phim nói về tình mẫu tử trở thành một phiên bản của "Sống chung với mẹ chồng", "Gia đình mình vui bất thình lình" tưởng như sẽ là bộ phim hài nhẹ nhàng bỗng chốc trở thành một bộ phim đầy tiêu cực. "Hành trình công lý" nói về chủ đề luật sư nhưng chính luật sư lại không hiểu luật, phản bội nguyên tắc nghề nghiệp… "Hương vị tình thân" kéo dài mệt mỏi, "Nơi giấc mơ tìm về" thì lan man và rời rạc…

Những nhân vật trong phim được đẩy vào cùng cực của sự uất ức, chịu bao nhiêu đau thương nhưng lại được giải quyết một cách rất nhẹ nhàng, không hề tương xứng.

So với nhiều năm trước, phim truyền hình Việt Nam đang được khán giả đón nhận nhiệt liệt hơn bởi sự đầu tư của VFC, dàn diễn viên thực lực, nhiều phim đi sâu vào cuộc sống và những góc khuất…

Nhưng đi cùng với đó là những chỉ trích, lên án, phản ứng của khán giả cũng nhiều hơn. Việc đưa những tình tiết đời thường vào để làm bộ phim gần gũi hơn, nhưng cũng đừng làm dụng quá drama cẩu huyết để biến các tác phẩm thành một cục tức khiến khán giả phải chịu đựng.

Nguồn: Tifosi


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày