Thêm nhiều báo ngoại đưa tin vụ công an VN thẩm vấn Sonnie Tran vì viết về VinFast

Tiếp sau bài tường thuật của VOA hồi tháng 12/2023, trong mấy ngày nay, có thêm nhiều báo nước ngoài đưa tin về vụ công an Việt Nam thẩm vấn Facebooker Sonnie Tran vì ông này viết các bài phân tích, mổ xẻ tình hình tài chính, kinh doanh và các sản phẩm của hãng ô tô VinFast.

1 Them Nhieu Bao Ngoai Dua Tin Vu Cong An Vn Tham Van Sonnie Tran Vi Viet Ve Vinfast

Theo quan sát của VOA, trong 4 ngày từ 5-8/1, ít nhất 14 trang tin tức viết về vụ việc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên khắp thế giới.

Đó là Jalopnik, The Drive, BNN, Carscoop, Pledge Times, Newswav, Elektroauto-Start-up, Autabuy và Yahoo Autos phục vụ độc giả ở Mỹ và các nước châu Âu, Wochen Blitz ở Đức, AD Auto ở Hà Lan, Boosted ở Đan Mạch, Autoblog ở Hy Lạp và Noticias Automotivas ở Brazil.

2 Them Nhieu Bao Ngoai Dua Tin Vu Cong An Vn Tham Van Sonnie Tran Vi Viet Ve Vinfast

Hơn 10 báo, trang tin nước ngoài viết về vụ công an Việt Nam tạm giữ Facebooker Sonnie Tran vì viết bài về VinFast; 5-8/1/2024.

Một số hàng tít nổi bật gồm “Tin cho hay: Người chỉ trích VinFast bị cảnh sát tạm giữ, thẩm vấn vì các bài đăng trên Facebook” của The Drive; “Thật rầy rà: Cảnh sát Việt Nam tạm giữ, thẩm vấn người chỉ trích VinFast – đây không phải lần đầu” của Newswav, “Có tin VinFast nhờ cảnh sát tạm giữ và thẩm vấn người chỉ trích do đăng bài trên mạng xã hội” của Carscoop, “Có tin VinFast báo cảnh sát về một người chỉ trích nữa và làm cho ông ấy bị bắt” của Jalopnik, “Người có nhiều ảnh hưởng chỉ trích VinFast, bị bắt” của Pledge Times.

VOA Tiếng Việt là cơ quan báo chí đưa tin đầu tiên về vụ việc khi đăng bài hôm 20/12/2023. Các bài báo mới nhất của các báo, trang tin nước ngoài kể trên có nội dung cơ bản tương tự như những gì VOA đã tường thuật từ rất sớm.

3 Them Nhieu Bao Ngoai Dua Tin Vu Cong An Vn Tham Van Sonnie Tran Vi Viet Ve Vinfast

Các bài báo viết rằng ông Sonnie Tran, 37 tuổi và được biết tiếng rộng rãi trên mạng xã hội, đã đăng nhiều bài về các vấn đề của VinFast, hãng ô tô lớn đầu tiên của Việt Nam, trên trang cá nhân và trong nhóm có tên “Bóc phốt tài chính”.

VinFast ra đời năm 2017, nằm trong tập đoàn Vingroup thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam. Tháng 11/2022, VinFast trở thành hãng ô tô đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu xe sang Mỹ,

4 Them Nhieu Bao Ngoai Dua Tin Vu Cong An Vn Tham Van Sonnie Tran Vi Viet Ve Vinfast

Ông Sonnie Tran, người đã cho VOA biết tên thật của ông là Trần Mai Sơn, làm dấy lên nghi vấn về tình hình tài chính của VinFast, khi ông lần theo việc hãng dùng các công ty vỏ bọc, chỉ ra các số liệu về lượng xe bán ra gây hiểu nhầm, cũng như nêu ra việc hãng thuê các đối tác Trung Quốc và Ấn Độ thiết kế xe chứ không như lời VinFast quảng bá là họ làm việc với hãng Pininfarina lừng danh.

Không chỉ riêng ông Sonnie Tran nêu lên các vấn đề đó mà có những người khác cũng bàn luận về chúng trên các nền tảng mạng xã hội như Linkedin và Reddit.

Mặc dù vậy, ông đã bị công an ở thành phố Hồ Chí Minh thẩm vấn trong 35 giờ hồi tháng 12/2023 trong 4 ngày khác nhau, theo các báo nước ngoài nêu trên. Ông bị công an tra hỏi về “động cơ chỉ trích VinFast” cũng như “ai đứng sau” các hoạt động của ông, các báo này cho biết. Công an đã thu giữ các thiết bị điện tử của ông và sao chép dữ liệu trong đó, vẫn theo các báo.

Như VOA đã đưa tin, ông Sonnie Tran bị các nhân viên công an buộc phải tới trụ sở của Tổng cục Cảnh sát phía Nam thuộc Bộ Công an, nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, Tp.HCM, và “làm việc” với họ trong các ngày từ 18 đến 20/12.

Một nguồn tin nắm sự việc nhưng muốn ẩn danh nói với VOA rằng phía công an thông báo với ông Sonnie Tran rằng ông bị VinFast cáo buộc là các bài viết của ông trên mạng xã hội có nội dung tiêu cực gây tác động xấu đến hãng, vi phạm vào Điều 331 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Các báo nước ngoài cũng đề cập đến chi tiết này trong các bài tường thuật của họ.

Điều 331 này viết rằng những ai “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và một loạt các quyền tự do dân chủ khác “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sẽ bị phạt các mức từ cảnh cáo cho đến ngồi tù từ 6 tới 7 năm, tùy mức độ vi phạm.

Việc công an thẩm vấn ông Sonnie Tran giờ đây bị nhiều báo nước ngoài ở một loạt các nước Mỹ, châu Âu, châu Mỹ… xem là nhà chức trách Việt Nam “sách nhiễu một công dân” vì người này chỉ trích hãng ô tô của đất nước là VinFast.

Một số báo nước ngoài, trong đó có The Drive, cho rằng rõ ràng VinFast gặp vấn đề về kinh doanh và sản phẩm, song dường như hãng cố dập tắt dư luận bằng cách “gọi cảnh sát” xử lý những người buông lời gièm pha về hãng.

Nói với VOA hôm 8/1 về việc nhiều báo trên thế giới đồng loạt tường thuật về vụ ông bị thẩm vấn, ông Sonnie Tran bày tỏ:

“Tôi có cảm nghĩ khá bất ngờ. Tôi nghĩ sự việc này cần đưa ra dư luận quốc tế”.

Bình luận thêm về cách ứng xử của doanh nghiệp khi bị dư luận mổ xẻ, phân tích, ông Sonnie Tran đưa ra ý kiến:

“Họ nên lắng nghe và cải thiện chất lượng sản phẩm và cách ứng xử với những ý kiến đóng góp từ các người khác hơn là đi hình sự hóa sự việc”.

Facebooker này nói với VOA rằng ông không có bình luận gì về việc làm của phía công an.

VOA đã liên lạc với cả công an ở Tp.HCM và VinFast để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.

Trong các bài tường thuật mới đây, các báo, trang tin nước ngoài nêu trên viết rằng ông Sonnie Tran không phải là người đầu tiên bị VinFast nhờ công an xử lý vì đăng thông tin tiêu cực về hãng.

Hồi tháng 5/2021, theo các báo nước ngoài đã nêu, hãng đã nhờ công an “sách nhiễu” một trong số các khách hàng của hãng vì người này đăng lên YouTube các đoạn video phàn nàn về chiếc xe mua của hãng cũng như các hoạt động bảo hành không như ý.

Vụ việc này cũng đã được VOA đưa tin và người trong cuộc là ông Trần Văn Hoàng, chủ kênh YouTube mang tên GoGo TV có hơn 450.000 người theo dõi.

Ông Hoàng đã đăng liên tiếp trong các ngày từ 20-28/4/2021 các clip chỉ ra 10 vấn đề trên chiếc xe VinFast Lux A2.0 của ông. Đến đầu tháng 5 cùng năm, VinFast nói hãng đã tố cáo với công an và ông Hoàng đã gỡ bỏ các clip.

Một số trang như Jalopnik, The Drive… bình luận trong các bài viết gần đây nhất của họ về VinFast rằng xe của hãng, chẳng hạn như chiếc VF 8, chưa thuyết phục được khách hàng và nếu hãng lo lắng về danh tiếng của mình, hãy quan tâm đến việc làm ra những chiếc xe tốt hơn và có lãi.

VinFast tuyên bố trước đây rằng nhà máy của hãng có thể chế tạo ra tới 250.000 ô tô điện mỗi năm. Tính đến hết quý 3 năm 2023, VinFast mới giao được khoảng 21.000 xe trong khi mục tiêu đặt ra là 50.000 chiếc.

Lượng tiêu thụ xe thấp làm cho hãng chưa thể đạt điểm hòa vốn.

Chỉ riêng quý 3/2023, VinFast lỗ 623 triệu đô la, còn từ đầu năm đến hết tháng 9, hãng lỗ 1,4 tỷ đô la.

Năm 2022, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la. Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020.

Nguồn: VOA


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày