Trụ trì chùa Ba Vàng tái xuất thỉnh vong giải nghiệp?

Trong các đêm liên tục từ 02/6 đến 4/6/2023 nhằm 15/4, 16/4 và 17/6 Quý Mão, lần đầu tiên công chúng chứng kiến một đại lễ Phật đản được tổ chức rầm rộ, nhiều công sức, tiền bạc và thu hút đông người tham gia đến vậy tại cả hai nơi rất xa nhau: chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

1 Tru Tri Chua Ba Vang Tai Xuat Thinh Vong Giai Nghiep

Đại đức Thích Trúc Thái Minh và những người dự lễ tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN huyện Minh Hoá trước khi vào chương trình Đại lễ

Trang web Chùa Ba Vàng cho biết trong hai ngày tổ chức đại lễ Phật đản tại chùa này đã có 70.000 người dân và Phật tử trong và ngoài nước, 200 giáo phẩm, các quan chức ngoại giao và Chính phủ từ cấp thứ trưởng trở lên của 13 nước trên thế giới cùng tham gia.

Đại lễ đánh dấu ngày trở lại của sư Thích Trúc Thái Minh

Quang cảnh buổi lễ đón mừng cùng đêm rước xe hoa quả thật chưa từng thấy trước đó. Dòng người ăn mặc hết sức rực rỡ với đủ loại trang phục của nhiều dân tộc và nhiều nước chen chúc kín mít mặt đường các con đường quanh chùa và thị xã Uông Bí gần như không còn kẽ hở. Vô vàn đèn màu lung linh, hàng hàng tượng Phật lấp lánh theo từng khối người được tổ chức bài bản chặt chẽ diễu hành trên các con đường, biển hoa và cờ Phật sắc màu với âm nhạc tưng bừng náo nức, đoàn người múa nhảy ca hát… Đây có lẽ là lần đầu tiên ngày lễ của một tôn giáo được tổ chức rộng rãi, quy mô, đông người tham gia đến như thế trong cả cơ sở thờ tự lẫn ngoài đường phố.

Trong hai ngày 3/6 và 4/6, đại lễ diễn ra tại huyện Minh Hóa cũng với quy mô khủng khiếp như vậy. Biển người hò reo kéo đi tràn đường phố theo đội hình lớp lang thứ tự, hô gọi chào mừng Đức Phật đản sinh và tiếng reo yeah kéo dài cuối câu. Đây không phải là ngôn ngữ và thói quen của người Việt, chứng tỏ những người tham gia lễ hội đã được tổ chức tập luyện vô cùng kỹ càng.

Minh Hóa là một huyện miền núi miền Trung nằm ven đường Trường Sơn, núi rừng bao bọc, vắng vẻ và nghèo nàn, người dân chủ yếu sống bằng ruộng rẫy. Nhưng ruộng rẫy cũng bạc màu và xơ xác, mỗi năm đều lũ lụt, nhà và ruộng trong thung lũng đều chìm sâu dưới nước. Nhắc đến Minh Hóa, hầu hết người đọc chỉ liên hệ nó với “đặc sản” “Nhà chống lũ” giúp dân Minh Hóa sống chung với lụt hàng năm.

Một đại lễ Phật giáo được tổ chức như ngày hội đường phố cho đông đảo tầng lớp nhân dân, có mặt của các quan chức và giáo phẩm Phật giáo từ nhiều nước đến như vậy, là sự kiện chưa từng có ở chốn rừng núi hẻo lánh này.

Cả hai sự kiện được truyền hình quốc gia đưa tin trong bản tin thời sự 7h tối, giờ vàng thời sự.

Địa danh chùa Ba Vàng và Quảng Bình khiến người quan tâm liên tưởng ngay đến bộ óc, bàn tay tổ chức và cái tài khéo gọi dòng tiền của một cái tên từng nổi bần bật trên báo chí và truyền thông cách đây bốn năm: Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Quả vậy, người ta nhìn thấy sư Thích Trúc Thái Minh trong hàng giáo phẩm diễu hành đi đầu đoàn người trên phố. Vẫn với sự khéo léo vốn có và ngày càng tăng, sư Minh đi ở hàng thứ hai, thứ ba, không chiếm toàn bộ sự chú ý và tò mò của người xem. Nhưng xâu chuỗi những sự kiện ở chùa Ba Vàng trước kia và hiện nay thì người quan sát có thể hiểu không sai, toàn bộ đại lễ hội Phật giáo phô trương và rầm rộ đến mức này chắc hẳn là sản phẩm của chính ông.

Đây có phải là món quà cho các vị lãnh đạo Phật giáo, đặc biệt ở Quảng Bình, để đánh dấu ngày tái xuất của sư Thích Trúc Thái Minh?

2 Tru Tri Chua Ba Vang Tai Xuat Thinh Vong Giai NghiepLễ Phật đản tại huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình vào ngày 3/6/2023. Chùa Ba VàngNam mô một bồ đầy tiền

Sở dĩ tôi quan tâm đến cái tên Thích Trúc Thái Minh là vì chỉ mới bốn năm trước, ông đột nhiên được gần như cả nước biết đến sau loạt bài điều tra trên báo Lao Động.

Phóng viên của tờ báo này vào vai một Phật tử của chùa Ba Vàng nơi sư Thái Minh là trụ trì, đi thỉnh oan gia trái chủ để chữa bệnh.

Theo báo Lao Động, chùa Ba Vàng có hẳn một khu nhà lớn dùng để thỉnh giải nghiệp.

Trong tất cả các pháp thoại của mình, sư Thích Trúc Thái Minh cùng những đồng sự tại chùa luôn luôn nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh và khẳng định rằng con người hễ gặp bất cứ trái ý nào trong cuộc sống thì đều do nghiệp báo, quả ác từ vô vàn kiếp trước để lại. Nghiệp báo là những hành động xấu, ác gây ra cho chúng sinh khác bao gồm cả người và mọi sinh vật. Những nghiệp ác chất chồng qua các kiếp, có thể đến hàng trăm ngàn, hàng triệu kiếp trước, tạo thành món nợ. Đến kiếp này những vong linh đã bị hành hạ hoặc gây chuyện xấu đó quay trở lại báo oán và đòi nợ nơi thân chủ, nên được gọi là trái chủ.

Ví dụ (theo sư Minh), người bị đau ở chân tay là do kiếp trước từng bẻ gãy chân tay của sinh linh khác. Người bị nhiều bệnh tật nặng là do kiếp trước từng sát sinh. Người bị mất vợ mất chồng là do kiếp trước từng phá nhà của chúng sinh, như phá tổ chim, phá tổ kiến…v.v

Sư Thái Minh dẫn rất nhiều điển cố được cho là viết rõ trong Kinh Phật để chứng minh và liên tục khẳng định lập luận này.

Cách giải quyết tận gốc vấn đề, vẫn theo sư Minh, là thực hành việc thiện. Trong đó quan trọng nhất là tạo phước cúng dường cho chùa Ba Vàng và tu tập các khóa ở chùa, để các tăng trong chùa hồi hướng công đức cho người bị nghiệp báo và hóa giải oán kết do các oan hồn báo oán. Từ đó người bệnh sẽ tìm được thầy thuốc chữa khỏi, người có bất hòa với mẹ chồng thì được hòa thuận, người xích mích với đồng nghiệp, không tìm được nơi làm tốt sẽ được giải trừ hết tất cả các điều trái ý để đạt được viên mãn, thỏa nguyện v.v. Việc làm này gọi là thỉnh oan gia trái chủ.

Người có nhu cầu thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng buộc phải trải qua nhiều bước ngặt nghèo, gồm trình chứng minh nhân dân thật, xem đi xem lại các clip nói về oan hồn báo oán, ký hàng loạt cam kết và buộc để lại toàn bộ thiết bị điện tử có khả năng ghi âm, ghi hình, không được cầm bất cứ thiết bị nào trước khi vào phòng thỉnh oan gia trái chủ.

Các tăng lữ của chùa sẽ mời gọi oan gia trái chủ lên để họ kể rõ người hiện tại từng làm các nghiệp ác như thế nào, sau đó oan hồn sẽ tổng hợp tất cả các món nợ lại và tính sổ. Ví dụ một phụ nữ bị đau xương khớp được oan hồn báo là do bốn kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo báo oán khiến đau nhức toàn thân. Một người buôn bán ế ẩm là do 12 kiếp trước phá việc buôn bán của người khác hoặc giết sinh linh nên kiếp này bị báo oán.v.v

Tuy nhiên, giải pháp cho tất cả vô vàn trái ý, bệnh tật, đau khổ… của tất cả mọi người đến chùa Ba Vàng đều quy về một mối: Thứ nhất, phải cúng dường cho chùa. Số tiền, theo sư Thái Minh “chính là số nợ của người có bệnh tật hoặc có điều trái ý, do các oan gia trái chủ hiện về đòi nợ”. Còn chư tăng chỉ ăn ngày một bữa, mặc ba tấm áo, ngủ trong rừng, nên không lây dính gì đến số tiền này cả.

Thứ hai, nếu không có tiền để cúng vào chùa thì người đó phải làm công quả cho chùa trong vài tháng.

Cách đây bốn năm, theo điều tra của báo Lao động, tiền mà các oan hồn đòi con nợ cúng cho chùa Ba Vàng phổ biến vào khoảng 7-15 triệu đồng/người.

Chị Nguyễn Thị L. ở TP Cẩm Phả từng kể với báo chí: các vong hồn “oan gia trái chủ” thông qua miệng sư tăng trong chùa “tố cáo” rằng họ tác động làm cho chị hay bị rét run vào buổi sáng sớm. Vẫn qua miệng sư tăng, các vong hồn này cho biết kiếp trước họ là con chuột trong gia đình chị. Nhưng gia đình keo kiệt, bỏn sẻn (ý là keo kiệt đến nỗi không cho chuột ăn hay sao-Người viết), còn chị thì cách đây sáu kiếp chính là thầy phù thủy luôn yểm bùa chú. Có những vong hồn là nạn nhân của chị. Họ nói có 38 hương linh (vong hồn) vào pháp hội cầu siêu tác động vào chị L, đòi chị chọn một trong hai cách: nếu thường xuyên lên chùa thì cúng dường 32 triệu đồng; nếu không thường xuyên lên chùa thì cúng đến… 700 triệu đồng. Nếu không cúng dường, chị sẽ bị điên. Chùa cũng yêu cầu chị phải tu tập tại chùa một năm, chỉ cho phép về nhà 3 ngày để chuyển nghiệp. 

Vẫn theo thống kê sơ bộ của báo Lao Động cách đây bốn năm, mỗi tháng “dịch vụ” thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút khoảng 4.000-5.000 người. Do mỗi lần chỉ được trình bày với vong đúng một vấn đề nên không ít người phải đi lại nhiều lần.

Tính ra, chỉ riêng thỉnh vong giải nghiệp, mỗi năm chùa Ba Vàng thu hàng trăm tỷ đồng, đồng thời có nguồn lao động không công vô cùng hùng hậu và bất tận nối tiếp nhau làm lụng tất cả các việc trong chùa.

Mô Phật, một công đôi việc, nhà chùa thật hoan hỉ hoan hỉ!

Nữ thánh chùa Ba Vàng: “Các anh hùng chiến sĩ đi đánh giặc là do kiếp trước mắc vào nghiệp sát sinh”

Một nữ nhân vật đặc biệt của chùa Ba Vàng khi thuyết giảng về nhân quả đã nói rằng cô gái nữ sinh bị hãm hiếp và giết chết khi đi giao gà cho mẹ chính là do các kiếp trước cô đã sát hại chúng sinh dã man và xâm hại thân thể, trinh tiết của người khác nên kiếp này phải chịu quả báo như vậy.

Sự việc như đám cháy rừng mùa khô được tưới thêm dầuTiếp tục đà phán về nghiệp báo, “nữ thánh” nói trên bạo mồm phán luôn rằng các anh hùng chiến sĩ đi đánh giặc là do trong tiền kiếp cũng mắc vào nghiệp sát sinh nên bây giờ phải sinh ra thời chiến tranh loạn lạc (và phải đi chiến đấu-người viết).

-Nhưng thời sát sinh đó họ cũng làm ra nhiều phước báu nên tuy vẫn phải trả nghiệp nhưng hết kiếp này họ sẽ được chuyển nghiệp vì trong tâm họ làm đúng với pháp thiện là đang chống lại những người đến xâm lược, nên chỉ chịu quả báo nhẹ thôi (trích clip giảng pháp).

Nghe đoạn này tôi thực sự xoắn hết não. Chịu quả báo nhẹ mà đã là liệt sĩ, tức mất mạng rồi. Vậy nếu chịu quả báo nặng thì phải hy sinh đến mấy lần “thánh bà” mới chịu? Mà bậc chân tu trí tuệ sao diễn đạt loằng ngoằng rối rắm tối mù, lúng ba lúng búng như ngậm hột thị vậy?

Sau khi các clip này viral, chùa Ba Vàng lập tức trở thành trung tâm điểm bàn luận của cả người có tín ngưỡng lẫn người không có tín ngưỡng.

Hầu hết đều phẫn nộ.

Tháng 3/2019, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp, kết luận các nghi lễ thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ và một số hình thức tu tập khác tại chùa là không phù hợp với giáo lý nhà Phật và các quy định khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Họ ra kết luận yêu cầu trụ trì Thích Trúc Thái Minh chấm dứt tất cả các hình thức tu tập và nghi lễ này.

Sư Thái Minh tuy vẫn giữ được chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng nhưng bị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Giáo hội, gồm ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; phó Ban thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam; phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu; ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Sư Minh thừa nhận sự việc tại chùa Ba Vàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Phật giáo, đồng thời xin lỗi nhân dân, tăng ni, phật tử, tín đồ trên cả nước. Ông và tăng ni chùa Ba Vàng cũng phát nguyện sám hối Đại tăng 49 ngày với lãnh đạo Giáo hội, đại diện cho tăng ni cả nước.

Sám hối Đại tăng là hình thức kỷ luật rất nặng trong nội bộ Phật giáo, chỉ sau việc bị trục xuất ra khỏi giáo hội.

Nhưng chỉ hơn ba năm sau, sư Thích Trúc Thái Minh đã có cú lội ngược dòng ngỡ ngàng.

Tháng 8/2022, vẫn đang trụ trì chùa Ba Vàng, sư Thái Minh “vùng dậy sáng lòa", được bổ nhiệm Phó trưởng Ban trị sự kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế tỉnh Quảng Bình.

Đến tháng ba năm nay, sư Thái Minh được bổ nhiệm chức vụ đã mất trước đó là Phó Trưởng ban phụ trách công tác bảo trợ, Ban thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Dư luận một lần nữa sửng sốt.

Vì, trong suốt thời gian sư Minh và tăng ni chùa Ba Vàng tỏ ra vô cùng ăn năn và tự nguyện sám hối Đại tăng, thì mọi chiếc loa trong chùa vẫn đều đặn ra rả phát các clip, các bài pháp thoại về thỉnh vong, giải nghiệp, cúng oan gia trái chủ của sư Minh cũng như người phụ nữ đặc biệt đã nói ở trên.

Có lẽ khi sư Minh sám hối Đại tăng xong, đã công khai xin lỗi Phật tử và người dân về hành vi trái Phật pháp trên, cũng như đã trải qua mấy năm chịu kỷ luật cách mọi chức vụ trong giáo hội, thì đã thật sự ăn năn và sửa mình chăng? Cho nên mới được phục hồi lại dần dần tất cả các chức vụ đã bị tước đi trước kia, và còn thêm chức mới ở tỉnh xa Quảng Bình nữa?

___________

Tham khảo

https://www.facebook.com/watch/?v=2288278168161201: https://www.youtube.com/watch?v=2z4i0-VPMtA

https://www.youtube.com/shorts/Zn160o6JSsM

https://chuabavang.com/chu-tang-chua-ba-vang-nhan-tien-dung-hay-sai-d5714.html

https://www.youtube.com/watch?v=aoJv0eABNO8

https://www.youtube.com/shorts/Zn160o6JSsM

https://www.youtube.com/watch?v=0QRw_gdj7rY

Nguồn: RFA


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày