Đức: Ban hành luật nhằm chống việc đàn ông Đức giả vờ nhận con… vì tiền

Luật mới nhằm chống lại việc người mẹ nhận cha giả cho con để có thể ở lại Đức.

 

 

Mới đây, Quốc hội Đức và Hội đồng Liên bang Đức (Thượng viện) đã thông qua một đạo luật nhằm kiên quyết và nhanh chóng thực hiện việc trục xuất những người nước ngoài không được quyền lưu trú ở Đức, trong đó có việc những phụ nữ xin tị nạn muốn được lưu trú khi nhờ đàn ông Đức giả vờ nhận là cha của con mình.

Theo luật hiện hành, đứa trẻ mới sinh ra được mang quốc tịch Đức, nếu người cha, hoặc mẹ, hoặc cả hai mang quốc tịch Đức. Trong khi theo luật Đức, người mẹ của đứa trẻ luôn là người mẹ đẻ thì vấn đề xác định người cha lại phức tạp hơn.

Theo điều 1592 của Bộ luật dân sự (BGB) thì trước pháp luật, người cha sinh học không phải đương nhiên là người cha của đứa trẻ mới ra đời.

Theo luật này, người cha là người có hôn thú với người mẹ khi đứa trẻ ra đời; là người được Tòa án tuyên bố là cha, ví dụ sau khi thử nghiệm ADN để xác nhận huyết thống; là người đã nhận là cha, cho dù người đó có thể là cha hay không.

baby 1178539 640

Đài truyền hình RBB mới đây đã phát giác một vụ lừa đảo lớn dựa trên kẽ hở luật pháp này.

Có tới hàng trăm trường hợp đàn ông Đức ở Berlin giả vờ nhận làm cha để nhận tiền của những phụ nữ xin tị nạn. Thông qua việc người Đức nhận làm cha, dù thật hay giả vờ, đứa con của người phụ nữ xin tị nạn có được quốc tịch Đức và người mẹ được quyền ở lại để nuôi con.

Theo „Luật cải thiện việc thực thi trục xuất“ mới được lưỡng viện phê chuẩn mới đây, kết quả của điều luật nhận con đó là đáng mong muốn, nếu một mối quan hệ gia đình – xã hội hình thành giữa người con và người cha nhận con và người nhận con sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm đối với đứa trẻ. Nhưng nếu việc nhận con chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện cho người mẹ được quyền lưu trú thì điều đó là lạm dụng luật.

Luật sư Michael Heim chuyên về Luật tị nạn lưu ý rằng ở đây không phải là phạm vi của Luật tị nạn, mà là Luật ngoại kiều. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình DW, ông Heim giải thích: „Quyền của người mẹ được ở lại với con ở Đức không nói gì về quyền tị nạn chính trị của họ. Quyền lưu trú phụ thuộc vào quyền tị nạn mà việc tị nạn tạm thời thì không có“.

 

Đạo luật này đã quy định rõ hậu quả của việc lạm dụng luật pháp này:

Trong tương lai, nếu Sở ngoại kiều xác định được rằng người đàn ông chỉ giả vờ nhận làm cha thì họ sẽ không cấp giấy công nhận cha con. Như vậy, đứa bé sẽ không có cha người Đức và không có quyền mang quốc tịch Đức. Khi đó thì người mẹ đang xin tị nạn cũng không có quyền lưu trú. Hơn thế nữa, tùy trường hợp mà người mẹ và người cha giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ví dụ về tội giả mạo giấy tờ hoặc vi phạm Luật ngoại kiều.

Nếu người cha giả sống nhờ trợ cấp xã hội thì nhà nước sẽ đảm nhận việc nuôi đứa trẻ. Nhưng có điều mà người cha giả không để ý rằng, họ vẫn có nghĩa vụ nuôi con như mọi người cha khác. Nếu họ lại có công ăn việc làm và không phải sống nhờ trợ cấp xã hội nữa thì họ sẽ phải trả tiền nuôi con, thời gian đó có thể kéo dài nhiều năm và số tiền họ phải trả thậm chí sẽ cao hơn nhiều số tiền họ nhận được khi ký giả nhận con.

Việc Sở ngoại kiều có thể xác định trường hợp nhận con giả vì tiền và quyền lưu trú thì lại phụ thuộc vào sự lưu ý của người được chứng kiến việc tuyên bố nhận con, ví dụ như công chứng viên rằng họ có nghi ngờ việc nhận con.

Nữ luật sư Oda Jentsch ở Berlin và Luật sư Michael Heim ở Bonn, thành viên Hội nghị tư vấn pháp lý chuyên về vấn đề tị nạn đã chỉ trích đạo luật này „biến công chứng viên và Sở thanh thiếu niên thành cánh tay nối dài của Sở ngoại kiều“. Điều này vi phạm nghĩa vụ giữ im lặng của công chứng viên và làm ảnh hưởng tới mối quan hệ tin cậy giữa công chứng viên với người liên quan.

Ngược lại, bà Annegret Korff, phát ngôn viên Bộ Nội vụ liên bang phát biểu, coi đạo luật mới này là một „phương pháp phòng ngừa có tôn trọng quyền cơ bản, nhằm ngăn chặn việc thưởng công cho hành động lạm dụng luật pháp với việc dành cho họ quyền lưu trú“.

Luật sư Heim nhận xét: Quy định này sẽ gây hậu quả là các gia đình trẻ sẽ bị các nhà chức trách điều tra, cho dù mối nghi ngờ không đúng.

Đạo luật này đã được lưỡng viện thông qua, chỉ còn chờ Tổng thống Frank-Walter Steinmeier ký là có thể có hiệu lực với kỳ vọng ngăn chặn được tình trạng giả vờ nhận làm cha để người mẹ có quyền lưu trú.

Đức: Ban hành luật nhằm chống việc đàn ông Đức giả vờ nhận con… vì tiền - 0

Annegret Korff, phát ngôn viên Bộ Nội vụ liên bang : coi đạo luật mới này là một „phương pháp phòng ngừa có tôn trọng quyền cơ bản, nhằm ngăn chặn việc thưởng công cho hành động lạm dụng luật pháp với việc dành cho họ quyền lưu trú“.

 

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày