Các nước châu Âu tính chuyện ‘mở trong, đóng ngoài’ để cứu du lịch

Châu Âu đã thiếu đoàn kết trong đối phó với dịch COVID-19. Nay mỗi nước áp dụng một phách trong việc mở cửa biên giới trở lại.

EU chỉ có thể đưa ra khuyến cáo.Ngày 17-5 (giờ địa phương), ông Enrico Letta – chủ tịch Viện tư vấn Jacques Delors của Liên minh châu Âu (EU), đã phải than thở trên đài France Info (Pháp): “EU phải phối hợp mở cửa biên giới giữa các nước”.

132 1 Cac Nuoc Chau Au Tinh Chuyen Mo Trong Dong Ngoai De Cuu Du Lich

Song ông ghi nhận vấn đề ở chỗ “các nước EU không muốn nhường cho EU thẩm quyền về các vấn đề mà họ nghĩ rằng họ có thể hành động một mình”.

Ủy ban châu Âu khuyến cáo như thế nào?

Hôm 13-5, bà Margrethe Vestager – phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC), đã khuyến khích các nước EU mở cửa biên giới bên trong EU để giải cứu ngành du lịch.

Tiêu chí mở cửa biên giới nội bộ trở lại của EC là phối hợp, hài hòa nhất có thể và không phân biệt đối xử.

EC khuyến nghị đối với các nước trong tình trạng dịch tễ học tương đương và đã áp dụng các biện pháp phòng dịch như nhau thì nên xử lý vấn đề mở cửa biên giới trở lại theo cách thức như nhau.

Nghĩa là nếu nước A mở cửa biên giới với nước B thì cũng làm như vậy với nước C nếu nước C trong tình trạng dịch như nước B.

Tương tự như vậy, khi một nước mở cửa biên giới với một nước khác, nước đó cũng phải làm như vậy đối với mọi người dân nước đó dù họ có quốc tịch nước đó hay không.

EC mong muốn phối hợp kiểm soát và khôi phục tự do đi lại qua ba giai đoạn:

. Giảm kiểm soát biên giới ngay tức khắc để tạo điều kiện đi lại cho lao động xuyên biên giới, theo thời vụ và quá cảnh đến quốc gia thành viên khác.

. Sau đó mở cửa trở lại các phần biên giới giữa các vùng ở mức độ dịch tương tự.

. Cuối cùng là mở cửa lại toàn bộ biên giới nội bộ trong khi vẫn duy trì các biện pháp chống dịch.  

EC không ấn định thời gian biểu cụ thể vì thẩm quyền dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ thuộc về các nước thành viên EU.

EC chỉ đề nghị các nước EU nên kéo dài thời gian đóng cửa biên giới bên ngoài EU tối thiểu đến ngày 15-6.

Pháp là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất lời kêu gọi mở cửa biên giới có phối hợp của EU song các nước khác lại không như vậy.

Ý thông báo sẽ mở cửa biên giới trở lại từ ngày 3-6 đồng thời hủy bỏ biện pháp cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh. Ngược lại, Tây Ban Nha bắt buộc cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh từ ngày 15-5.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner than phiền quyết định đơn phương của Tây Ban Nha và Ý “đã không củng cố những gì chúng ta cần làm để đoàn kết với nhau”.

Bốn mô hình mở cửa biên giới 

Tính đến ngày 18-5, trong khu vực châu Âu (khu vực Schengen, EU và Anh) có bốn mô hình quản lý biên giới trong dịch.

. Cách ly nghiêm ngặt: Tương tự Tây Ban Nha, từ ngày 10-4 Đức đã bắt buộc cách ly tại nhà 14 ngày đối với người nhập cảnh.

Từ ngày 16-5, biện pháp kiểm soát có phần nới lỏng hơn. Biên giới Đức-Áo được mở lại hoàn toàn. Áo tuyên bố từ ngày 15-6 sẽ tái lập tự do đi lại qua biên giới chung với Đức.

Đức dự kiến trước ngày 15-6 sẽ chấm dứt mọi biện pháp kiểm soát biên giới bên trong EU.

Ireland đã bắt buộc cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh, kể cả người đến từ Anh.

. Cách ly một phần: Luật mở rộng tình trạng khẩn cấp y tế của Pháp quy định cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh vào Pháp từ một số quốc gia.

Tuy nhiên, văn phòng tổng thống Pháp thông báo sẽ không áp dụng cách ly với bất kỳ ai, trừ… Tây Ban Nha.

Từ đầu dịch, Iceland để biên giới mở đối với công dân các nước EU và từ ngày 24-4 đã bắt buộc cách ly đối với người nhập cảnh. Song từ ngày 15-6, người nhập cảnh có thể chọn cách ly 14 ngày hoặc chịu xét nghiệm.

. Không cách ly: Quốc gia đi đầu là Ý, kế đến là Bồ Đào Nha. Nước này vẫn đình chỉ mọi chuyến bay quốc tế đến ngày 15-6, trừ các chuyến bay đến từ khu vực Schengen.

Anh thuộc số hiếm hoi các quốc gia chưa đóng cửa biên giới và không cách ly.

Từ ngày 15-5, công dân ba nước vùng Baltic (Estonia, Litva và Latvia) đã có thể tự do đi lại giữa ba nước. Biện pháp cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh được hủy bỏ.

Croatia không áp dụng biện pháp cách ly từ ngày 11-5 nhưng chỉ có lao động xuyên biên giới, nhân viên vận chuyển, nhân viên y tế, nhà ngoại giao hoặc du khách đi công việc mới được nhập cảnh.

. Vẫn đóng cửa biên giới: Thụy Sĩ và Bỉ vẫn đóng cửa biên giới trên bộ và trên không, trừ thường trú nhân, lao động xuyên biên giới và công dân Liechtenstein.

Thụy Sĩ đã nới lỏng quy định quá cảnh với Đức và Áo bằng cách cho phép vợ chồng và gia đình thăm viếng nhau.

Bỉ cấm qua lại biên giới đến ngày 15-6, trừ lao động xuyên biên giới, người thực hiện quyền thăm nuôi con hoặc cha mẹ và người đi học.

Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Phần Lan vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới. Không có biện pháp cách ly nào được áp dụng vì các nước này đang hạn chế nhập cảnh.

Theo Hoàng Duy Long / tuoitre.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày