CEO tập đoàn Đức bị đốt nhà vì cung cấp vũ khí cho Ukraine

Nhóm cánh tả cực đoan ở Đức đốt nhà CEO tập đoàn quốc phòng Rheinmetall để phản đối việc hãng chuyển giao khí tài cho Ukraine.

"Chúng tôi đặt thiết bị gây cháy trong nhà vườn của Armin Papperger vào đêm 28-29/4", một nhóm không nêu danh tính viết trên mạng xã hội, đề cập CEO tập đoàn vũ khí Đức Rheinmetall.

Nhóm cho biết họ nhắm vào nhà của Papperger vì ông là người hưởng lợi từ "cái gọi là Zeitenwende", nhắc đến chiến lược an ninh châu Âu mới nhằm vào Nga của Đức.

1 Ceo Tap Doan Duc Bi Dot Nha Vi Cung Cap Vu Khi Cho Ukraine

Ngôi nhà được cho là của CEO Rheinmetall bị cháy đêm 28/4. Ảnh: X/Pascal Laurent

"Rheinmetall là một trong những thực thể được hưởng lợi từ chiến lược. Họ có nhiều loại xe tăng cũ có thể bán kèm đạn dược cho Ukraine và thu được lợi nhuận khổng lồ", nhóm khẳng định, đề cập xe tăng Leopard 2.

Nhóm được cho là có liên hệ với tổ chức cánh tả cực đoan "Băng đảng Baader-Meinhof", do bài viết kết thúc với khẩu hiệu "Thả tự do cho Daniela". Daniela Klette là thành viên "Băng đảng Baader-Meinhof" bị bắt hồi đầu năm sau hàng thập kỷ lẩn trốn.

Truyền thông Đức cho biết mục tiêu của nhóm là ngôi nhà nghỉ hè của Papperger tại làng Hermannsburg ở bang Niedersachsen. Vụ phá hoại gây thiệt hại nhẹ về tài sản và không có thương vong về người. Cảnh sát liên bang đã mở cuộc điều tra về sự việc.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Rheinmetall, tập đoàn quốc phòng lớn thứ 5 châu Âu, đã chuyển giao cho Kiev nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự, bao gồm xe tăng Leopard 2. Chính phủ Đức tháng trước đặt hàng Rheinmetall thêm 20 xe chiến đấu bộ binh Marder (IFV) để chuyển giao cho Ukraine.

Hãng mới đây cũng mở thêm một nhà máy ở bang Niedersachsen để có thể tăng sản lượng đạn pháo cung cấp cho Kiev.

2 Ceo Tap Doan Duc Bi Dot Nha Vi Cung Cap Vu Khi Cho Ukraine

Xe tăng Leopard 2A6 Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia tháng 6/2023. Ảnh: Spiegel

Đức là một trong các quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất từ đầu chiến sự. Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết viện trợ hơn 106 tỷ USD cho Kiev, trong đó có các gói vũ khí lớn gồm hệ thống phòng không Patriot, tên lửa IRIS-T, xe tăng và IFV.

Tuy nhiên, chính quyền ông Scholz tới nay vẫn từ chối chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine, do lo ngại Kiev có thể sử dụng loại đạn này để tập kích lãnh thổ Nga, khiến Moskva trả đũa Berlin.

Trong khi đó, các quan chức phương Tây chỉ ra rằng một số nước khác, gồm Mỹ và Anh, đã cung cấp cho Ukraine tên lửa có tầm bắn tương tự, song chưa làm bùng phát xung đột trực tiếp với Nga.

Phạm Giang (Theo Bild, Telegraph, RT)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày