EU đang nhún nhường chịu đòn thuế quan Mỹ?

Dù tuyên bố đáp trả tương đương với đòn thuế quan Mỹ áp đặt lên châu Âu vì trợ cấp "trái phép", EU chấp nhận thỏa thuận với Mỹ.

132 1 Eu Dang Nhun Nhuong Chiu Don Thue Quan My

Mỹ áp thuế vào hàng hóa châu Âu, Brussels mạnh miệng nhưng không muốn trả đũa bằng thuế quan.

Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với các yêu cầu tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ trị giá 7,5 tỷ USD, bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm ngày 18/10.

Theo lệnh của ông Trump, nước này đã đánh mức thuế 10% vào máy bay Airbus và 25% vào các sản phẩm nông nghiệp như rượu vang Pháp, phô mai Italia và rượu whisky Scotland.

Vào ngày các mức thuế này bắt đầu có hiệu lực, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom tuyên bố EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả sau khi Mỹ chính thức áp thuế đối với hàng hóa của khối này trị giá kỷ lục 7,5 tỷ USD.

Bà Malmstrom bày tỏ lấy làm tiếc về lựa chọn của Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu của EU và nêu rõ bước đi này của Mỹ khiến cho EU không có lựa chọn khác ngoài việc áp thuế đáp trả "đúng trình tự" trong vụ kiện liên quan tới tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, trong đó Mỹ bị phát hiện vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Giám đốc thương mại EU nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với chuỗi cung ứng của các ngành máy bay trên Đại Tây Dương và gây ra thiệt hại tài sản thế chấp cho nhiều lĩnh vực khác đang chịu áp lực thương mại hiện nay.

Nhiều hiệp hội thương mại ở châu Âu, trong đó có các hãng sản xuất công cụ của Đức và các nhà sản xuất rượu ở Scotland, đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Washington đảo ngược hành động.

RT dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire chỉ trích quyết định của chính quyền Trump, đồng thời cảnh báo các động thái đáp trả.

"Chúng tôi, những người châu Âu, sẽ áp dụng các đòn cấm vận tương tự trong vài tháng nữa, thậm chí là gay gắt hơn – trong khuôn khổ của WTO - để đáp trả cấm vận này của Mỹ" - Bộ trưởng Pháp tuyên bố.

Ông Le Maire cũng kêu gọi một giải pháp thông qua đàm phán, nhấn mạnh rằng tại một thời điểm mà kinh tế toàn cầu đang chậm lại thì "trách nhiệm của chúng ta là phải làm hết sức mình để tránh xa loại xung đột đó".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ủng hộ phương án chấp nhận thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông cho biết, giới chức EU đang tích cực làm việc nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Việc ủng hộ một thỏa thuận thương mại có lẽ là phương án tốt nhất cho cả Mỹ và EU nhằm tránh đưa 2 nước tiến vào một cuộc đối đầu thương mại khác bên cạnh cuộc chiến Mỹ- Trung. Các quan chức EU dù tung chỉ trích vào Mỹ và đe dọa đáp trả lệnh cấm bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ nhưng đều đồng thuận việc hướng tới một thỏa thuận thương mại.

Nhiều năm qua, Mỹ và EU cáo buộc nhau trợ cấp trái phép cho các tập đoàn chế tạo máy bay Airbus và Boeing. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng cả Airbus lẫn Boeing đều nhận được hàng tỷ USD trợ cấp, nhưng Washington được phép đánh thuế trước vì khởi kiện trước 9 tháng.

Khi đó, nếu EU cũng muốn áp thuế lên hàng hóa Mỹ, họ có thể cũng căn cứ vào quyết định của WTO nhưng phải đợi tới 9 tháng sau. Ở thời điểm hiện tại, EU bị hạn chế phương án tác động ngược trở lại Mỹ và việc đạt một thỏa thuận thương mại sẽ được tiến hành nhanh chóng trong vòng 9 tháng tới.

Ngay cả EU cũng không hề muốn thực hiện một cuộc đối đầu thuế quan với Mỹ tương tự Trung Quốc. Do đó, Brussels có lẽ sẽ duy trì quan điểm nhượng bộ hơn trong các cuộc đàm phán sẽ diễn ra sớm tại Mỹ.

Nguồn: Hải Lâm/ Baodatviet.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày