30 năm, 206 tỷ USD kiều hối đã đổ về

Ước tính có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, tương đương khoảng 100 tỷ USD/năm.

1 30 Nam 206 Ty Usd Kieu Hoi Da Do Ve

Đồng tiền Brazil và đô la Mỹ. (Ảnh minh họa: Rafastockbr/Shutterstock)

Con số trên được nêu ra tại buổi tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 23/4.

Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023 thì lũy kế đạt khoảng 206 tỷ USD.

Tính riêng trong năm 2023, Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết lượng kiều hối gửi về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Số tiền trên từ hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2,3 triệu người có liên hệ với TP.HCM.

Kiều hối chuyển về TP.HCM chảy nhiều vào bất động sản

Việt kiều tại TP.HCM chiếm hơn 43% của cả nước, kiều hối chuyển về TP.HCM cũng luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số kiều hối.

Năm 2023 kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, riêng TP.HCM là khoảng 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 – cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong quý 1/2024, kiều hối về TP.HCM tiếp tục đạt gần 2,9 tỷ USD, lập kỷ lục mới, tăng 35,4% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết con số 9,46 tỷ USD kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2023 là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, chiếm gần 60% tổng lượng kiều hối cả nước. Con số này gấp 2,7 lần tổng vốn FDI vào TP.HCM và bằng khoảng 14% GRDP của TP.HCM.

Con số trên gây ấn tượng khi đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tình hình lạm phát và xung đột vũ trang… ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động liên quan đến kiều hối.

Ông Lệnh kỳ vọng trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM sẽ tăng khoảng 20%. Hiện Ngân hàng Nhà nước không có thống kê cụ thể nguồn kiều hối “chảy” vào đâu, nhưng nguồn ngoại tệ này đi vào nền kinh tế như tiêu dùng, kinh doanh, cải thiện đời sống, xây nhà cửa…

Một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay khoảng 15%-20% kiều hối đổ về Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định hiện nay hơn 50% kiều hối ở TP.HCM được sử dụng vào bất động sản, trực tiếp hay qua người quen, còn lại là mục đích tiêu dùng, hỗ trợ người thân.

TP.HCM thiếu vốn

Theo thông tin tại buổi tọa đàm, hạ tầng của TP.HCM đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế – xã hội, nguyên nhân chính là thiếu vốn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay TP.HCM là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân. Nhu cầu về hạ tầng, từ giao thông đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên. Làm thế nào để giải quyết vấn đề trên là điều mà TP.HCM phải giải quyết.

Nhiều chuyên gia cho rằng kiều hối là tiền của người dân nên việc sử dụng như thế nào là quyền của người dân, nhưng dưới góc nhìn vĩ mô, cần thiết có chính sách để phát huy nguồn lực này.

Hiện ngoài các nguồn lực do TP.HCM đề xuất và được Quốc hội thông qua nghị quyết 98, TP.HCM hướng sự chú ý vào nguồn kiều hối. Đây được xem là “một nguồn lực rất lớn, những năm qua luôn đổ về TP một cách bền bỉ” – theo lời ông Cường – “Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần FDI”.

Giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng tại TP.HCM dự kiến là 243.000 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hàng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2023, UBND TP.HCM đã giao Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM xây dựng đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”. Một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Cụ thể, khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế – xã hội tại TP.HCM có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.

Theo phân tích của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nguồn kiều hối về TP.HCM chủ yếu từ 4 nguồn với đặc trưng về đầu tư khác nhau. Thứ nhất là từ thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài lớn tuổi, di cư sau năm 1975. Nguồn kiều hối này không lớn, chủ yếu hỗ trợ người thân, kích thích tiêu dùng.

Thứ hai là từ thế hệ người Việt Nam trẻ tuổi, ra nước ngoài sau năm 1975. Nguồn kiều hối này lớn, mang tính chất đầu tư.

Thứ ba là từ người Việt Nam đi xuất khẩu lao động và ở lại làm ăn hợp pháp. Nguồn tiền này là thường xuyên, được gửi về nước để trợ giúp người thân, đầu tư, trả nợ, kinh doanh.

Thứ tư là từ người đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tiền gửi về chủ yếu trả nợ, chi tiêu cho sức khỏe, giáo dục, tích lũy.

Vẫn theo nghiên cứu của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, khảo sát trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của đại diện các hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước, thế hệ thứ 2 người Việt Nam ở nước ngoài đang có nhu cầu rất lớn được trở về Việt Nam đầu tư. Trong đó đặc biệt là nhu cầu trợ giúp pháp lý xin giấy phép đầu tư, chuyển nguồn tiền, giao thương…

TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu cho kiều bào?

TS Trần Du Lịch cho hay: “Tọa đàm đã bàn nhiều giải pháp, đầu tiên là làm sao tạo cơ chế hấp dẫn, môi trường pháp lý an toàn để kiều bào an tâm chuyển dòng chảy này thành dòng vốn.

Hai là có các định chế, ví dụ các dự án đầu tư, phát hành trái phiếu công trình.v.v… đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng cho kiều hối, gồm 2 dạng, phát hành bằng ngoại tệ (phải xin phép đề án Trung ương), nhưng cũng có thể nắn dòng này khi họ nhận được tiền rồi, họ vun vào trái phiếu bình thường, thì cái này không vướng về vấn đề ngoại hối. Người ta nhận tiền chỗ Sacombank xong, chỗ công ty xong, là họ mua trái phiếu này, cái này coi như tiền nội tệ đó”

Ông Lịch nhận định TP.HCM phải chủ động, có định chế, phát huy cho được vai trò của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) để thu hút, dẫn dắt được dòng vốn này.

Ông Lịch đề nghị Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM làm sao tăng lượng kiều hối lên và sử dụng hiệu quả nguồn tiền này vào đầu tư.

“Tôi biết hiện nay Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã nghiên cứu khá nhiều nước về chính sách thu hút kiều hối, Ấn Độ.v.v…, nhưng mà nghiên cứu thêm xem có nơi nào có những công trình, dự án riêng rẽ cho kiều hối của họ không. Ví dụ họ đầu tư một khu công nghiệp, một công trình, một nhà máy xử lý rác, một nhà máy cấp nước.v.v.., tức là có những “case study” để bàn và dẫn ra khi đề xuất Trung ương, sẽ thuyết phục hơn”, ông Lịch nói.

Cần kiểm soát chặt rủi ro và minh bạch thông tin

Một hoài nghi được đặt ra là hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng về niềm tin sau hàng loạt những sự cố trên thị trường liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC… Nhiều nhà đầu tư, trong đó có các kiều bào, nghi ngờ thì liệu việc phát hành trái phiếu cho kiều bào có thành công hay không?

TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính – Bất động sản Toàn cầu cho hay các điểm then chốt để việc phát hành trái phiếu thành công đó là TP.HCM phải đảm bảo và chứng minh tình hình tài chính của thành phố đủ khả năng để trả lãi suất và vốn gốc đúng hạn. Tại Mỹ, khi người dân mua trái phiếu, các ngân hàng nói rõ nguồn trả nợ từ đâu rất cụ thể, chẳng hạn như ưu tiên nguồn trả nợ thứ nhất từ kinh doanh, sau đó là từ các tài sản đảm bảo, tiếp đến sẽ là một khoản bảo lãnh nào đó… Ở Việt Nam lại không nói cho nhà đầu tư về việc này nên không thuyết phục được nhà đầu tư mua trái phiếu.

“Thêm một kinh nghiệm để phát hành trái phiếu thành công đó là phải có xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư thường dựa vào xếp hạng tín nhiệm để mua trái phiếu vì họ cần bên thứ 3 nói cho họ biết là nhà phát hành có khả năng trả nợ hay không. Do đó, Việt Nam có thể sử dụng công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế để xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu”, ông Hiếu đề xuất.

Ngoài ra phải xác định một mức lãi suất hợp lý và phù hợp với thị trường để thu hút các nhà đầu tư, phải phù hợp với khả năng trả nợ của tổ chức phát hành, đảm bảo chính quyền địa phương có khả năng chi trả lãi và gốc của trái phiếu. Kiểm tra và tuân thủ các quy định pháp lý cụ thể đối với việc phát hành và phân phối trái phiếu tại Việt Nam và các quốc gia sở tại. Các quy định này có thể bao gồm các quy định về mức độ nợ công được phép phát hành và việc công bố thông tin. Đánh giá các rủi ro đặc biệt mà thành phố có thể phải đối mặt như biến động trong nguồn thu thuế, sự phụ thuộc vào một số ngành công nghiệp, các biến động trong thị trường bất động sản, thị trường tài chính, biến động hối đoái và các rủi ro kinh tế, thương mại và chính trị nếu có.

“Tôi dự đoán khả năng TP.HCM phát hành trái phiếu cho kiều bào để tài trợ các dự án trọng điểm của thành phố sẽ thành công khoảng 70% cho đợt chào bán đầu tiên với số lượng chào bán 100 triệu USD, với điều kiện những kế hoạch mà tôi đề xuất được thực hiện”, TS Hiếu cho hay.

Nguyễn Minh


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày