Các bạn trẻ tụ tập ăn uống trong khu đô thị Sala (TP Thủ Đức) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tưởng rằng dịch bệnh sẽ tạm lắng, nhưng số liệu báo cáo trong khoảng chục ngày gần đây cho thấy TP.HCM có thể "bùng dịch bất cứ lúc nào", nếu người dân chủ quan lơ là và ngành y tế không chủ động kích hoạt hệ thống chống dịch vốn có.
Theo số liệu cập nhật trên cổng thông tin COVID-19 TP.HCM sáng 13-11, gần 1 tuần nay số ca COVID-19 tại TP.HCM đều duy trì trên 1.000 ca. Riêng ngày 12-11 ghi nhận 1.338 ca, tăng 203 ca so với ngày 11-11.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội vào sáng 12-11 một lần nữa khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ông nhìn nhận số ca mắc tăng và nói: "TP.HCM đang đánh giá tình hình dịch hằng tuần, và nếu tới mức phải siết lại thì phải siết".
Cùng nhận định này, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cho biết đã chuẩn bị các kịch bản, "kể cả tình huống xấu nhất" là khi ca mắc tăng, dịch bùng phát trở lại, nếu khả năng thu dung điều trị vượt ngưỡng là giãn cách như trước đây.
Sau khi được tiêm đủ hai mũi vắc xin, nhiều người dân chủ quan không đeo khẩu trang, ngồi tụm năm tụm bảy nói chuyện - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) - cho rằng để ngăn bùng dịch, đòi hỏi phải có sự chung tay của cộng đồng.
"Người dân phải thực sự ý thức tuân thủ các biện pháp 5K một cách thuần thục, tự nhiên chứ không phải thực hiện theo kiểu đối phó. Tôi ghé chợ chứng kiến người dân chủ quan lắm, vẫn đứng túm năm tụm bảy, tháo khẩu trang nói chuyện thoải mái", bác sĩ Vân Anh khẳng định.
Trong khi đó, có hiện tượng cả nhân viên y tế và F0 đều "không mặn mà" sử dụng gói thuốc C (thuốc Mulnopiravir) - vốn là gói thuốc quan trọng giúp giảm tải lượng virus sau 5 ngày điều trị, giảm tỉ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong.
Tại sao lại như thế? Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, các gói thuốc C đều được cấp phát cho các trung tâm y tế, chuyển xuống trạm y tế cấp phát cho F0 nhưng một số nhân viên y tế không phát do… ngại quản lý (thuốc kháng virus đặc hiệu và sử dụng phải có kiểm soát đặc biệt). Chính điều này mà Sở Y tế TP.HCM vừa qua đã thành lập 10 đoàn kiểm tra đôn đốc việc cấp phát gói thuốc C.
Về phía F0, khi uống thuốc phải làm bản cam kết khai báo khi có triệu chứng, do đó cũng có tâm lý… ngại uống. Hiện tượng nhân viên y tế ngại phát, F0 ngại uống cũng chính là lý do khiến số ca mắc có nguy cơ chuyển nặng.
"Từ khi thuốc được đưa vào chương trình thử nghiệm cho đến khi được phê duyệt vào phác đồ điều trị, các F0 sử dụng thuốc này chỉ có tốt lên, chưa ghi nhận có ai bị phản ứng phụ gì cả", đại diện Sở Y tế TP.HCM khẳng định.
Việc kiểm soát được dịch hay không, phụ thuộc rất lớn vào ý thức của cả cộng đồng. Ngoài vắc xin, các biện pháp 5K phải được thực hiện thuần thục một cách chủ động, tự nhiên. Trong ảnh: Các bạn trẻ ngồi đọc sách đúng khoảng cách, có đeo khẩu trang - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều người không chịu tiêm vắc xin dù được "năn nỉ"
Trước số ca mắc và số ca tử vong gia tăng, ngoài việc triển khai các biện pháp chống dịch, lãnh đạo ngành y tế đã chỉ đạo các bộ phận tập trung phân tích số ca tử vong trong ngày. Phân tích sơ bộ cho thấy đa số ca tử vong do bệnh lý nền, cao tuổi, chưa tiêm vắc xin chiếm trên 90%.
Đặc biệt, có một số bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi vắc xin nhưng vẫn tử vong do tuổi quá cao, và mang cùng lúc nhiều bệnh nền. "Những bệnh nhân này chủ yếu tử vong do bệnh lý nền, mắc COVID-19 chỉ là tác nhân khiến bệnh lý trở nặng thêm", đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.
Một nguyên nhân khiến các F0 tử vong là do không biết mình bị mắc COVID-19, đến khi trở nặng chuyển bệnh viện mới biết, lúc ấy mọi can thiệp hầu như đã quá muộn. Ngoài ra, có hiện tượng nhiều người cao tuổi mắc COVID-19 khi nhập viện khai thác mới biết các cụ không chịu tiêm vắc xin, dù trước đó địa phương, gia đình nhiều lần "năn nỉ".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC