“Nếu làm được như Đài Loan, nông dân Việt Nam sẽ giàu!”

Cùng mô hình nông nghiệp như Việt Nam nhưng nhờ bao tiêu từ “A đến Z” trong các khâu sản xuất, chế biến sâu và thương mại hóa, sản phẩm nông nghiệp do người nông dân Đài Loan sản xuất ra đã đạt giá trị tối ưu nhất.

Trong chuyến tham quan học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao tại Đài Loan, đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới đã có chuyến khảo sát thực tế từ những mô hình nông nghiệp “khủng” trên xứ Đài đến những mô hình nông nghiệp thuộc vào loại “vừa và nhỏ” ở đây.

Điều đặc biệt, tại hầu hết các mô hình này, người nông dân xứ Đài đã biết thương mại hóa tất cả các sản phẩm nông nghiệp của mình chứ không chỉ trông chờ vào… thương lái và chính sách hỗ trợ như ở Việt Nam.

“Nếu làm được như Đài Loan, nông dân Việt Nam sẽ giàu!” - 0

Nông dân xứ Đài tự… cứu mình

Tại một trang trại trái cây quy mô thuộc loại “vừa và nhỏ” ở vùng ven TP Đài Bắc, nhìn vào quy mô (khoảng 2 ha) của trang trại này, nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc trong đoàn khá bất ngờ bởi khả năng… “du lịch hóa” trang trại này của người nông dân Đài Loan.

Cụ thể, dù trang trại này chỉ vỏn vẹn có 1 vườn bưởi, 3 nhà kính trồng rau và dâu tây, còn lại là diện tích đất trống trồng hoa và có vài luống khoai lang nhưng lượng khách đến tham quan khá đông, đặc biệt là học sinh các trường ở TP Đài Bắc đến trải nghiệm làm nông nghiệp, các gia đình đến nghỉ dưỡng khá đông…

Ông Võ Công Thọ, nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Bình Thuận, tấm tắc, dù diện tích làm nông nghiệp của trang trại này khá nhỏ nhưng nhờ nắm bắt xu hướng du lịch sinh thái nông nghiệp nên họ phát triển khá tốt.

“Đây cũng là một kinh nghiệm quý cho người nông dân Việt Nam nếu muốn tận dụng tốt các quỹ đất vốn có của mình để phát triển. Bài học đau lòng với người nông dân Việt Nam lâu nay là ‘được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa’, nếu người nông dân chủ động hơn nữa thì hoàn toàn có thể hạn chế được những thiệt hại có thể xảy ra”, ông Thọ nói.

Tương tự, tại trang trại Tính Nhân ở huyện Yilan (Nghi Lan) – trang trại vịt trứng thuộc vào loại lớn nhất nhì ở Đài Loan – ông Trần Tín Nhân, chủ trang trại này cho biết, quy mô của trang trại nuôi hơn 30.000 vịt đẻ nhưng hầu như ông không hề nhận được sự ưu đãi nào từ phía cơ quan chức năng. Theo ông Nhân, mỗi ngày 7 công nhân của trại sẽ nhặt hơn 30.000 trứng vịt, vệ sinh sạch trứng rồi vận chuyển đến các đơn vị phân phối đến các vùng miền trên cả nước.

“Tôi phải đảm bảo tất cả các công việc, từ chăm sóc đàn vịt đến khai thác khả năng sinh sản của chúng, sau đó là tự đi tìm mối phân phối trứng. Ở Đài Loan, người dân quen dùng trứng muối nên một phần nguồn trứng tươi sẽ được chúng tôi bán tận tay đến các DN làm bánh kẹo, còn lại thì trang trại sẽ tự ủ thành trứng muối, trứng bắc thảo hoặc ấp thành trứng vịt lộn để bán ra thị trường cho người tiêu dùng Việt Nam ở xứ Đài”, ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, việc phân phối nguồn trứng “khủng” – khoảng 30.000 trứng/ngày – khá vất vả nên nếu không chủ động tìm nguồn phân phối thì khả năng thương mại và tìm kiếm lợi nhuận sẽ rất khó khăn…

Nông dân Việt sẽ giàu nếu…

Tại một loạt các trang trại và mô hình nông nghiệp khác trên đất Đài Loan, dù quy mô khá nhỏ, thậm chí sản lượng nông nghiệp tính theo diện tích đất cũng không mấy vượt trội so với một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam song tính hiệu quả về giá trị nông nghiệp mang lại khá nổi bật.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Cường, “vua vịt trời” ở Bắc Ninh, chia sẻ, công bằng mà nói thì nông dân Đài Loan khá “sướng” khi được cơ quan chức năng nơi này tạo điều kiện về thuế, đất đai, đồng thời có chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân… nên họ có thể yên tâm mạnh tay đầu tư cho nông nghiệp.

Dù vậy, theo ông Cường, nói đi cũng phải nói lại, qua tiếp xúc ông thấy người nông dân Đài Loan khá chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của mình chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Đặc biệt họ khá sáng tạo trong tìm kiếm và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

“Nhìn nhiều mô hình nông nghiệp ở đây, nói thật theo đánh giá chủ quan của tôi thì họ thua kém nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam cả về quy mô trang trại lẫn sản lượng. Song họ lại thành công rất nhiều bởi biết tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng…

Đó là một điều mà nông dân Việt Nam chúng ta còn rất thiếu”, ông Cường băn khoăn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Khang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, công nghệ chúng ta cũng có thể học được, kỹ thuật cũng vậy nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có tư duy luôn sẵn sàng với mục tiêu chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị cạnh tranh chứ dừng bao giờ chỉ trông chờ vào… thương lái và các chính sách hỗ trợ.

“Chúng ta phải biết tự cứu lấy mình trước chứ đừng phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Có như vậy thì nền nông nghiệp Việt Nam mới phát triển và tôi tin điều đó sẽ không xa nếu chúng ta có ý thức sẵn sàng “thương mại hóa” các sản phẩm trong mọi điều kiện”, ông Khang nói.

Nguồn: danviet


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày