Thế nào mà cán bộ công chức TP HCM phải làm việc đến 2-3 giờ sáng?

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết như vừa nêu khi bị chất vấn tại Hội nghị góp ý báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 tổ chức hôm 12/7/2022.

1 The Nao Ma Can Bo Cong Chuc Tp Hcm Phai Lam Viec Den 2 3 Gio Sang

Ảnh minh họa chụp tại TPHCM trước đây.

Các đại biểu chất vấn về chuyện biên chế tại TPHCM vì vào tháng 6 năm 2022, Bộ Nội vụ đã truy trách nhiệm TPHCM khi để dư hơn 5.700 biên chế công chức, viên chức so với con số Trung ương giao.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA từ TPHCM hôm 13/7, nhận định:

“Phát ngôn của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng như bà Yến - Bí thư quận 1 cho rằng nhân viên công vụ phải làm việc đến 2 – 3 giờ sáng thì tôi cho rằng nó thể hiện việc tổ chức quản trị nhân sự rất yếu kém của các cơ quan công quyền.

Bởi vì mỗi một người bình thường đều có 24 giờ trong một ngày, bất kể đó là ai và thu xếp như thế nào là do từng cá nhân họ.

Người lãnh đạo thì càng phải hiểu rõ quy luật tự nhiên của con người để mà có kế hoạch sử dụng lao động cho hợp lý. Chứ không thể nói theo cách than vãn như vậy, nó còn thêm cả tính chất bóc lột sức lao động của các nhân viên công vụ, đó là nói về lý thuyết.”

Phát ngôn của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng như bà Yến - Bí thư quận 1 cho rằng nhân viên công vụ phải làm việc đến 2 – 3 giờ sáng thì tôi cho rằng nó thể hiện việc tổ chức quản trị nhân sự rất yếu kém của các cơ quan công quyền.-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Tuy nhiên nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, thực tế ông không tin có những trường hợp công chức đi làm như vậy. Bởi vì thực tế theo ông Già, người ta vẫn gặp rất nhiều nhân viên công vụ trong giờ làm việc vẫn đi ăn nhậu, Karaoke… Ông Già nói tiếp:

“Thứ ba về mặt ngân sách của Nhà nước, hiện nay rất eo hẹp mà họ than vãn như vậy để đòi bổ sung biên chế thì tôi cho đó là một nghịch lý rất lớn và bóc lột người dân. Bởi vì ngân sách là từ tiền thuế của dân, mà người dân hiện đang rất là khốn khổ.

Ở góc độ người dân, tôi thấy đó là sự bóc lột tàn tệ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, nếu như họ dựa vào đó để đòi tăng thêm biên chế.”

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM là địa phương có mật độ dân số lớn nhất Việt Nam. Trong khi một quận, huyện bình quân có 137.000 dân thì ở thành phố này là 441.000 dân.

Đồng tình với Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Thiện Nhân, bà Trần Kim Yến - Bí thư quận 1 còn nói thêm, có những quận, huyện số dân của họ không đông như quận 1, nhưng số người đến làm việc, vui chơi lại đông. Nên mới có tình trạng cán bộ công chức phải làm việc tới 2-3 giờ sáng.(!?)

Do đó bà Yến cho rằng việc phân bổ còn cần phải dựa theo khối lượng công việc chứ không chỉ dựa vào số dân.

2 The Nao Ma Can Bo Cong Chuc Tp Hcm Phai Lam Viec Den 2 3 Gio Sang

Ảnh minh họa: Giáo viên trường Chu Văn An tại Hà Nội tham gia khóa đào tạo công chức. REUTERS.

Một người dân TPHCM, ông Nguyễn Đình Đệ, nói với RFA hôm 13/7 về thực tế ông biết:

“Theo quan điểm của tôi, đó là quyền của người ta muốn nói gì thì nói, chứ thật sự thì quan chức Nhà nước rủng rà rủng rỉnh, sáng xách cặp ra, chiều xách cặp về… thấy cũng nhàn hạ chứ có gì đâu ghê gớm vậy. Chứ nếu được như vậy thì người dân Sài Gòn có phước lắm đó. Chứ còn thực sự riêng tôi thấy họ cũng nhàn thôi, làm gì tới mức độ phải đi sớm về khuya, tôi chưa thấy ai đi sớm về khuya. Viên chức mà phải làm đến 2 – 3 giờ sáng thì không biết làm cái gì, nói chung là người dân không thấy điều đó.”

Liên quan đến thái độ làm việc của cán bộ công chức TPHCM, ông Đệ nhận xét:

“Thái độ của công chức thì cũng tùy nơi, trường hợp hồ sơ đầy đủ hợp lý thì phải nói họ giải quyết rất nhanh, điều này cũng đáng khen. Nhưng hồ sơ mà có vấn đề thì mình cũng có vấn đề theo luôn, những người từng nộp hồ sơ đều biết. Hồ sơ mà đã có vấn đề thì mệt lắm, rất là mệt, phải bôi trơn, ví dụ như vậy.”

Theo quan điểm của tôi, đó là quyền của người ta muốn nói gì thì nói, chứ thật sự thì quan chức nhà nước rủng rà rủng rỉnh, sáng xách cặp ra, chiều xách cặp về… thấy cũng nhàn hạ chứ có gì đâu ghê gớm vậy. Chứ nếu được như vậy thì người dân Sài Gòn có phước lắm đó.-Nguyễn Đình Đệ

Tại Hội nghị về công chức TPHCM hôm 23/6/2022, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - Huỳnh Thanh Nhân cho biết, tổng biên chế công chức Trung ương giao TPHCM là gần 10.869 người, nhưng thực tế thành phố hiện có 14.470 công chức, cao hơn 3.601 người. Ngoài ra, số biên chế viên chức của TPHCM là 99.985 người, cao hơn 2.104 người so với con số Trung ương giao.

Vì sao TPHCM có dư hơn 5.700 biên chế công chức, viên chức so với con số Trung ương giao… nhưng lại có nơi công chức phải làm đến 2 -3 giờ sáng như lời ông Nhân, bà Yến?

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, giải thích với RFA hôm 13/7/2022:

“Tình trạng chung của bộ máy hành chính Việt Nam hiện quá cồng kềnh, Chính phủ đã bốn lần đưa ra chủ trương cải cách nhằm tinh giản gọn nhẹ, tìm cách tuyển chọn những người có năng lực qua thi công chức để có thể đảm nhận đúng vị trí mà không bị dư thừa. Việc thi công chức đã tiến hành bảy tám năm nay, nhưng nhiều người vẫn nói không tiếp nhận được những người có năng lực.

Chính vì vậy, nhiều nơi có bộ máy lớn nhưng do tuyển không đúng người, nên người có năng lực lại phải gánh vác quá nhiều việc, trong khi những người khác hưởng lương nhưng không làm gì cả.”

Ngoài ra theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Việt Nam hiện nay vẫn chưa xử lý trách nhiệm của người tuyển dụng một cách triệt để. Theo ông Võ, chủ trương của Chính phủ thì có, nhưng việc thực hiện chủ trương đó hoàn toàn không đúng hướng và không đầy đủ như đã đặt ra.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, trong khi Việt Nam đang thực hiện cải cách, đổi mới chính quyền điện tử 4.0… thì việc than vãn của ông Nhân và bà Yến đã tạo ra một nghịch lý. Điều này chứng tỏ trên thực tế các công chức không tiếp cận quản lý khoa học, văn minh như thế giới.

Ông Già cho rằng, nhà cầm quyền Cộng sản nói chung cũng như chính quyền TPHCM cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại tư duy rất phản khoa học, bóc lột sức lao động của nhân viên công vụ và tạo gánh nặng cho ngân sách rất lớn, nếu như họ thực thi việc tăng biên chế trong thời điểm hiện nay.

Nguồn: RFA


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày