Việt Nam lên tiếng về thỏa thuận hậu cần quân sự với Ấn Độ

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam theo đuổi chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ, các quan hệ hợp tác quốc phòng của Việt Nam, bao gồm Ấn Độ, là vì mục đích cùng đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới.

1 Viet Nam Len Tieng Ve Thoa Thuan Hau Can Quan Su Voi An Do

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh trao đổi các văn bản ký kết sau cuộc gặp ngày 8-6 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký kết trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tới Việt Nam từ ngày 7 đến 10-6.

Ngày 21-7, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trước câu hỏi của báo chí nước ngoài rằng liệu Việt Nam có ký thỏa thuận tương tự với nước khác, phó phát ngôn viên Phạm Thu Hằng đã nêu rõ quan điểm của Hà Nội.

"Với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, quan hệ hợp tác quốc phòng của Việt Nam với nhiều quốc gia nhằm cùng nhau đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Ấn Độ đã ký một số thỏa thuận tương hỗ hậu cần quân sự với các nước trong nhóm QUAD, Pháp, Singapore và Hàn Quốc. Thỏa thuận đầu tiên loại này mà New Delhi ký là với Mỹ vào năm 2016.

Các thỏa thuận hậu cần quân sự sẽ tạo điều kiện cho tàu chiến hai bên tiếp cận các cơ sở quân sự của nhau vì mục đích tiếp liệu, hậu cần và sửa chữa. Về phía Ấn Độ, những thỏa thuận này sẽ giúp quân đội nước này đơn giản hóa công tác hậu cần cho các hoạt động quân sự ở xa lãnh thổ.

Ngoài bản ghi nhớ trên, trong chuyến thăm tháng 6 rồi, bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam cũng ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 8-6, Bộ trưởng Singh đề cập đến hai văn bản trên và kết quả cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang.

"Đây là các văn bản hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới", báo điện tử Chính phủ nêu đánh giá về hai văn bản.

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Singh, tàu hải quân Ấn Độ là INS Sahyadri cùng INS Kadmatt cập cảng TP.HCM và thăm xã giao Việt Nam từ ngày 24 đến 26-6.

Ấn Độ và Việt Nam có thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016 và hợp tác quốc phòng là trụ cột chính của quan hệ đối tác này. Giới chức New Delhi nhiều lần khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày