Nguồn gốc lời chào: SANG NĂM TỚI HOÀNG SA !

Đã hơn 50 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực. Ước vọng của người Việt Nam lấy lại phần đất linh thiêng này của tổ quốc xem ra càng xa vời trong niềm tiếc nhớ.

1 Nguon Goc Loi Chao  Sang Nam Toi Hoang Sa

Người dân Hà Nội tham gia một cuộc biểu tình tại Hồ Gươm chống Trung Quốc với biểu ngữ “Sang năm tới Hoàng Sa” hồi năm 2016. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Vào năm 70, đế quốc La Mã xóa tên Israel trên bản đồ thế giới. Jerusalem – thủ đô của người Do Thái bị san thành bình địa.

Từ đó, người Do Thái lưu lạc khắp nơi, trở thành một dân tộc không có tổ quốc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, hơn một ngàn năm, người Do Thái bị khinh miệt, thảm sát, ngược đãi một cách tàn bạo, đáng kể nhất là sáu triệu người Do Thái bị gom lại, rồi bị giết trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã hồi đệ nhị thế chiến.

Dù là một dân tộc không còn quê hương, Do Thái giáo vẫn dạy người Do Thái rằng, chính họ, quê hương của họ, là nơi thượng đế lựa chọn làm dân tộc riêng của Ngài.

Cho dù lưu lạc ở đâu và bất kể trong hoàn cảnh nào, trước mỗi bữa ăn, người Do Thái đều cầu xin Thượng đế dẫn họ về miền đất hứa, trước khi từ biệt nhau, họ luôn luôn chào nhau bằng một câu nói như một lời hứa, môt lời thề bất hủ “Sang năm về Jerusalem”.

Đến ngày nay, dân tộc Do Thái đã tạo dựng lên một nhà nước Israel, tuy nhỏ bé, nhưng giầu có và hùng mạnh!

Cảm phục ý chí và khát vọng của dân tộc Do Thái, ở Việt Nam,có một người lính tên là Nguyễn Hòa Bình, thường hay tham gia viết bài và bình luận trên các diễn đàn, trang mạng điện tử, với nickname "F361", đặc biệt sau mỗi bài viết hoặc bình luận, ngoài nickname "F361", ông còn ghi thêm một dòng chữ "Sang năm tới Hoàng Sa" để thể hiện khát vọng, sẽ lấy lại những gì đã mất bởi giặc tàu xâm lược.

Ông Nguyễn Hòa Bình, F361 đã qua đời ngày 15/2/2013 tại quê hương ông, xã Nhị Bình, Hóc Môn, TP HCM.

Ước vọng của người lính F361, Nguyễn Hòa Bình:"Sang năm tới Hoàng Sa", bây giờ đã có nhiều người đồng cảm, chia sẻ, nuôi dưỡng, gây dựng thành khát vọng chung, các thế hệ tiếp nối nhau, nhất định sẽ biến khát vọng đó thành hiện thực.

Ngày 19 Tháng Giêng, 1974, lợi dụng thời cơ Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và Quốc Hội Hoa Kỳ có nghị quyết cấm quân đội Mỹ tham chiến tại Đông Dương sau Hiệp Định Paris 1973, quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), gây ra trận hải chiến đẫm máu ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20 Tháng Giêng, 1974, Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo. Trước đó, Trung Quốc chỉ làm chủ được một nhóm đảo phía Đông mà họ chiếm được trong lúc tranh tối tranh sáng khi người Pháp rút đi và trước khi VNCH tái lập chủ quyền quần đảo năm 1956. Trong trận Hoàng Sa 1974, Hải Quân VNCH có 74 thủy thủ tử trận, 16 người bị thương, và 48 người bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc có 18 thủy thủ thiệt mạng, 67 người bị thương.

Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra vào thời điểm quân đội VNCH đang lao đao do đồng minh Hoa Kỳ rút đi và viện trợ quân sự bị giảm mà phải căng sức chống đỡ các chiến dịch tấn công liên tục của quân Bắc Việt trên toàn miền Nam.

Thiếu vũ khí, xăng dầu, kế hoạch phản công tái chiếm Hoàng Sa của hải quân và không quân VNCH năm 1974 đã không thực hiện được. VNCH chỉ có thể phản đối hành động xâm lăng của Trung Quốc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

SANG NĂM TỚI HOÀNG SA !!!


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày