Điều tra MH17 như án bỏ túi: Thám tử Đức ra tay

 Malaysia sẵn sàng làm việc với thám tử Đức điều tra độc lập về MH17 để làm rõ trắng đen, lật tẩy cáo buộc của nhóm điều tra chung nhằm vào Nga.

Xung quanh vụ điều tra đầy tranh cãi của Nhóm Điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu liên quan đến vụ tai nạn của chiếc máy bay MH17, một nhà điều tra độc lập người Đức vừa lên tiếng sớm cung cấp các thông tin về vụ việc cho Chính phủ Malaysia. 

Thám tử người Đức Joseph Resch đã được một khách hàng đặt hàng để điều tra riêng về vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airline rơi ở miền Đông Ukraine.

Các chi tiết mà ông Joseph Resch có được liên quan đến vụ tai nạn đã được nhiều lần gửi tới Nhóm Điều tra chung (JIT) nhưng họ từ chối công nhận các chứng cứ điều tra của ông do ông này muốn công khai thông tin điều tra lên đại chúng.

Đầu tháng 8, ông đã mời bất kỳ quốc gia nào khác quan tâm đến việc giúp ông đưa những phát hiện của mình ra trước công luận.

Hôm thứ Năm tuần trước, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Malaysia đã sẵn sàng nghiên cứu các bằng chứng được ông Resch thu thập.

Phản hồi trước thông tin này, Thám tử người Đức cho biết, ngoài các điều kiện cần cân nhắc, giới chức Malaysia nên liên hệ qua luật sư hoặc Đại sứ quán để các thông tin được chính xác.

132 1 Dieu Tra Mh17 Nhu An Bo Tui Tham Tu Duc Ra Tay

Thám tử người Đức Joseph Resch

“Nhà chức trách Malaysia nên liên hệ với chúng tôi thông qua đại sứ quán hoặc luật sư, để họ có thể thông báo cho Chính phủ Malaysia về những cách thức có thể được tổ chức, nếu các điều kiện được đáp ứng” - Thám tử Đức nói.

Chưa rõ những thông tin điều tra riêng của ông Joseph Resch có bất cứ xung đột nào với các điều tra của JIT hay không song riêng việc JIT không chấp nhận điều kiện đưa thông tin điều tra một cách công khai khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

Từng nói về việc JIT từ chối công nhận bằng chứng được mình điều tra, Thám tử Đức cho biết, trong trường hợp đó, ông sẽ thông tin các điều tra của mình cho phía Nga, Malaysia và bất cứ quốc gia nào khác muốn tham gia tìm hiểm vụ tai nạn này.

Thám tử Joseph Resch cho biết, ông có các hình ảnh vệ tinh dù Mỹ phủ nhận có các bức ảnh tương tự. Ông cũng nhấn mạnh phản ứng không nhất quán của JIT về vụ việc.

"Trước đó, người ta liên tục nói rằng, hình ảnh vệ tinh là cần thiết. Nhưng đến một lúc nào đó, những hình ảnh đó không còn cần thiết nữa. Bởi vì, người ta nói, nó đã không còn quan trọng" - ông Resch đề cập đến báo cáo điều tra của JIT kết luận và truy tố tội giết người với ba công dân Nga bị cáo buộc chuyển hệ thống tên lửa BUK đến miền đông Ukraine và bắn rơi chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17.

JIT được thành lập ngay sau tai nạn, do Hà Lan dẫn đầu và có sự tham gia của các nước Ukraine, Bỉ, Australia. Nga đề xuất tham gia cuộc điều tra nhưng bị từ chối. Cả Malaysia là quốc gia chịu tổn thất trong vụ việc cũng không được tham gia.

Năm 2018, JIT tuyên bố máy bay đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa BUK từ Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của quân đội Nga, trích dẫn "thông tin mật" do chính quyền Mỹ và Hà Lan cung cấp.

Nga tiến hành điều tra riêng cho thấy tên lửa BUK bắn hạ máy bay được chế tạo tại nhà máy Dolgoprudny ở vùng đô thị Moskva năm 1986, được giao cho một đơn vị quân đội ở Ukraine và vẫn ở đó sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tuy nhiên, bằng chứng này bị JIT bỏ qua.

132 2 Dieu Tra Mh17 Nhu An Bo Tui Tham Tu Duc Ra Tay
Vụ tai nạn máy bay MH17 chưa thể tìm ra thủ phạm vì các yếu tố chính trị.

JIT hồi tháng 6 vừa qua đã phát lệnh bắt và truy tố tội giết người với ba công dân Nga bị cáo buộc chuyển hệ thống tên lửa BUK đến miền đông Ukraine và bắn rơi chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines.

Phía Nga cho biết nước này rất lấy làm tiếc về kết quả điều tra và gọi các cáo buộc giết người đối với nghi phạm Nga là không có căn cứ.

Qua quá trình độc lập, căn cứ vào số hiệu của tên lửa BUK thu thập được từ các mảnh vỡ, quả tên lửa  này được sản xuất tại liên hiệp chế tạo máy Dolgoprudnyi, ở ngoại ô thủ đô Moscow của Liên Xô/Nga vào năm 1986.

Tên lửa này đã nằm trong lô hàng được gửi đến cho quân đội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine (thuộc Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết - Liên Xô).

Dù không chính thức khẳng định quả tên lửa đã bắn trúng máy bay MH17 là của Ukraine, phía Nga chỉ yêu cầu JIT công bố các bằng chứng chứng minh quả tên lửa nói trên là của Nga.

Trong các yếu tố liên quan đến tên lửa BUK ở Ukraine, cần chú ý tới một vụ cháy kho đạn dược của Ukraine hồi tháng 10/2018.

Khi đó, Kyiv Post dẫn nguồn tin quốc phòng Ukraine cho hay, toàn bộ (không rõ số lượng) hệ thống phòng không BUK và tài liệu liên quan đến hệ thống tên lửa này có trong kho đều bị thiêu rụi.

Đám cháy xảy ra tại thời điểm sau khi công bố các tài liệu về bối cảnh xảy ra tai nạn của MH17 tại Donbass vào năm 2014 và Kiev được yêu cầu cung cấp tài liệu cho tổ hợp tên lửa BUK.

Lãnh đạo cơ quan báo chí của ban chỉ huy hoạt động thuộc nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donesk, ông Daniil Bezsonov đặt câu hỏi về sự trùng hợp nói trên.

"Tại nhà kho này còn có các tên lửa  9M38 từ hệ thống phòng không BUK cùng tất cả các tài liệu kỹ thuật đi kèm" - ông Bezsonov cho hay.

Theo ông Bezsonov, dù chính quyền Kiev có nêu ra nhiều giả thuyết hơn nữa nhưng mọi sự nghi ngờ về nguyên nhân của vụ nổ đang đổ dồn chính những người vận hành kho đạn và việc họ muốn có một lý do chính đáng sự biến mất của tài liệu liên quan đến BUK hay không.

Vụ tai nạn thảm khốc mang tên MH17 đã cướp đi sinh mạng của 298 người xảy ra vào ngày 17/7/2014. Đã 5 năm trôi qua, cuộc điều tra về vụ việc vẫn mù mịt với các thông tin không rõ ràng. Nhiều lãnh đạo quốc tế, bao gồm cả Thủ tướng Malaysia cho rằng, cuộc điều tra có tính chính thức nhất của JIT là cuộc điều tra có chứa yếu tố chính trị.

Hải Lâm


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày