Hoàng Chi Phong gặp Ngoại trưởng Đức

Theo lịch trình, điểm đến của Hoàng Chi Phong sau Berlin sẽ là New York (Mỹ).

Hoàng Chi Phong đã đến Berlin (Đức) ngày 9-9 sau chuyến bay từ Hong Kong qua, hãng truyền thông Deutsche Welle (Đức) cho biết.

132 1 Hoang Chi Phong Gap Ngoai Truong Duc

Hoàng Chi Phong (trái) bắt tay với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tại Berlin ngày 9-9. Ảnh: EPA

Bắt tay Ngoại trưởng Đức

Sau khi đến Berlin, Hoàng Chi Phong tham gia một sự kiện báo chí được tổ chức tại Quốc hội Đức. Hoàng Chi Phong đã gặp Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khi quan chức này đến tham gia sự kiện.

132 2 Hoang Chi Phong Gap Ngoai Truong Duc

Hoàng Chi Phong (giữa) đến sân bay Tegel ở Berlin (Đức) ngày 9-9. Ảnh: EPA

Hoàng Chi Phong nói biểu tình Hong Kong sẽ không dừng lại với việc chính quyền Hong Kong rút lại dự luật dẫn độ vốn cho phép dẫn độ các nghi phạm sang xét xử tại nhiều nước mà Hong Kong không ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Hoàng Chi Phong cho biết sẽ theo đuổi buộc chính quyền Hong Kong phải chịu trách nhiệm về các hành vi bạo lực với người biểu tình, đồng thời kêu gọi thế giới ủng hộ người biểu tình Hong Kong.

Ngày 8-9, Hoàng Chi Phong nói với báo Bild (Đức) rằng cảm thấy thất vọng khi Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây đã không lên tiếng kêu gọi “bầu cử tự do” cho Hong Kong.

Hoàng Chi Phong lên đường sang Đức ngay khi vừa được tòa án Hong Kong phóng thích sáng 9-9, sau khi bị bắt giữ ngày 8-9 xuất phát từ một sai sót hành chính.

132 3 Hoang Chi Phong Gap Ngoai Truong Duc

Hoàng Chi Phong tại Berlin (Đức) ngày 9-9. Ảnh: DW

Hoàng Chi Phong 22 tuổi bị bắt tại sân bay quốc tế Hong Kong sáng 8-9 với lý do vi phạm các điều kiện tại ngoại mà nhân vật này phải chịu sau khi bị truy tố liên quan đến một cuộc biểu tình chống chính quyền ngày 21-6. Trong các điều kiện tại ngoại, có việc Hoàng Chi Phong bị cấm rời Hong Kong, trừ hai chuyến đi đến Đức và Mỹ đã được sắp xếp trước đó diễn ra vào tháng 9.

Thẩm phán đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm đi lại cho Hoàng Chi Phong vào ngày 8-9 để nhân vật này thực hiện hai chuyến đi đến Đức và Mỹ. Tuy nhiên, thay vì dỡ bỏ lệnh cấm đi lại cho Hoàng Chi Phong vào ngày 8-9 như thẩm phán đã đồng ý trước đó thì cảnh sát lại chỉ căn cứ vào điều kiện Hoàng Chi Phong chỉ được phép rời Hong Kong từ ngày 12-9 có ghi trong văn bản điều kiện tại ngoại. Do đó, Hoàng Chi Phong đã bị chặn bắt tại sân bay quốc tế Hong Kong ngày 8-9.

Trong phiên điều trần làm rõ vụ việc ngày 9-9 tòa án thừa nhận đây là một sai sót, đồng ý kéo dài thời hạn tại ngoại của Hoàng Chi Phong và cho phép người này được rời Hong Kong sang Đức và Mỹ trong thời gian từ ngày 9 đến 23-9.

132 4 Hoang Chi Phong Gap Ngoai Truong Duc

Hoàng Chi Phong đã được thả ngày 9-9 và được phép rời Hong Kong sang Đức và Mỹ. Ảnh: SCMP

Điểm đến tiếp theo: Mỹ

Theo lịch trình, điểm đến của Hoàng Chi Phong sau Berlin sẽ là New York (Mỹ).

Trong ngày 9-9, chính quyền Hong Kong lên tiếng yêu cầu Mỹ đứng ngoài cuộc, không tham gia vào chuyện nội bộ Hong Kong. Chính quyền Hong Kong tỏ ý lấy làm tiếc về dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong và cho rằng “cơ quan lập pháp nước ngoài không nên can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào vào chuyện nội bộ” Hong Kong.

Chính quyền Hong Kong lên tiếng sau khi hàng ngàn người Hong Kong ngày 8-9 mang cờ Mỹ tuần hành đến lãnh sự quán Mỹ kêu gọi kêu gọi chính phủ Mỹ thông qua một đạo luật ủng hộ phát triển dân chủ và nhân quyền ở Hong Kong.

132 5 Hoang Chi Phong Gap Ngoai Truong Duc

Hàng ngàn người biểu tình kéo về lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong ngày 8-9. Ảnh: SCMP

Hiện Quốc hội Mỹ đang xem xét dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong. Một khi dự luật được thông qua, chính phủ Mỹ sẽ đánh giá mức độ quyền tự trị chính trị của Hong Kong mỗi năm, nhằm xác định liệu Hong Kong có đủ điều kiện tiếp tục hưởng quy chế thương mại đặc biệt theo Luật chính sách Mỹ-Hong Kong mà hai bên đã ký năm 1992 hay không.

Việc Mỹ thông qua Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong khả năng lớn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của Trung Quốc với Hong Kong. Lý do nếu Hong Kong mất quy chế thương mại đặc biệt với Mỹ thì không những sẽ ảnh hưởng đến đầu tư Hong Kong mà cả ở Trung Quốc đại lục.

Tối 8-9, lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong xác nhận có nhận được thư thỉnh cầu từ người biểu tình nhưng từ chối bình luận bước đi tiếp theo.

Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói Hong Kong xứng đáng có được quyền tự trị và tự do thực sự. Bà Pelosi đề nghị chính quyền Hong Kong chấm dứt bạo lực cảnh sát với người biểu tình và cho biết Quốc hội Mỹ sẽ “đẩy nhanh” dự luật về Hong Kong.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày