Ông Tập nỗ lực nâng vị thế ngoại giao Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy chiến dịch ngoại giao mạnh mẽ nhằm thúc đẩy vị thế của Trung Quốc, cạnh tranh ảnh hưởng từ phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/4 bất ngờ điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết sẽ cử đại diện đặc biệt tới Ukraine và tổ chức đàm phán với tất cả các bên để giải quyết khủng hoảng. Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực hướng tới việc ngừng bắn ở Ukraine càng sớm càng tốt, nhấn mạnh đàm phán là "giải pháp duy nhất" cho cuộc xung đột.

Nỗ lực ngoại giao được ông Tập tiến hành trong bối cảnh xung đột Ukraine đã kéo dài hơn năm, làm gia tăng lo ngại về những hệ lụy nó có thể mang lại với tình hình an ninh, địa chính trị toàn cầu. Căng thẳng ngày càng tăng giữa Nga và phương Tây khiến cánh cửa đàm phán giữa hai bên ngày càng bị thu hẹp.

1 Ong Tap No Luc Nang Vi The Ngoai Giao Trung Quoc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi lễ ký kết thỏa thuận ở Moskva hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Giới quan sát cho rằng đây là một phần trong nỗ lực ngoại giao của ông Tập nhằm nâng tầm vị thế toàn cầu của Trung Quốc, đưa nước này trở lại "vị trí phù hợp là đầu tàu kinh tế, chính trị" của thế giới, theo bình luận viên Joe McDonald của AP.

Trong một tháng qua, ông Tập đã gặp hàng loạt lãnh đạo thế giới cả ở Trung Quốc và nước ngoài, hướng tới mục tiêu củng cố quan hệ với những người bạn cũ, đồng thời tìm cách củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh trước sức ép từ phương Tây.

"Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm không gian mới để hành động", Manoj Kewalramani, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Takshashila, tổ chức nghiên cứu chính sách Ấn Độ, nhận xét. "Trên mọi phương diện, Chủ tịch Tập dường như muốn hạn chế tối đa những gì ông coi là hành vi kiềm chế của phương Tây đối với Trung Quốc".

Đưa Trung Quốc trở thành tâm điểm trên trường quốc tế từ lâu đã là mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập. Ông đã khởi xướng Sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD, giúp biến Bắc Kinh thành một đối tác phát triển quan trọng trên toàn thế giới.

Tháng trước, Trung Quốc đứng ra làm trung gian cho Iran và Arab Saudi nối lại quan hệ ngoại giao, dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông cũng như trên toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy hoạt động ngoại giao của mình sau bài phát biểu vào đầu tháng ba, khi ông cho rằng Washington đang dẫn đầu một chiến dịch quốc tế nhằm "ngăn chặn, bao vây và kiềm tỏa toàn diện" Bắc Kinh.

Đầu tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc tiếp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một lãnh đạo chủ chốt của liên minh phương Tây với quan điểm theo đuổi "quyền tự chủ chiến lược", vốn được Bắc Kinh rất khuyến khích.

2 Ong Tap No Luc Nang Vi The Ngoai Giao Trung Quoc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Ông còn trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khi bà cùng Tổng thống Macron tới thủ đô Trung Quốc, cam kết sẽ trao đổi với Tổng thống Ukraine "khi có điều kiện và thời điểm thích hợp". Cam kết đó được ông thực hiện trong chưa đầy một tháng sau.

Nỗ lực của ông Tập nhận được động lực mạnh mẽ khi Tổng thống Macron khẳng định châu Âu nên giữ lập trường "độc lập chiến lược", tránh trở thành "chư hầu" của Mỹ trong chính sách với Đài Loan.

"Tôi thấy Bắc Kinh đang tìm cách đẩy lùi Mỹ và phá vỡ cái mà ông Tập coi là liên minh đối phó Trung Quốc ở phương Tây", Jean-Pierre Cabestan, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, bình luận. "Đây là lý do chuyến thăm của Tổng thống Pháp rất thành công trong mắt người Trung Quốc, bởi thông qua việc thúc đẩy ý tưởng về quyền tự chủ chiến lược, ông Macron đã góp phần khoét sâu thêm khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu".

Đến giữa tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc đón tiếp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người "tích cực đón nhận đề xuất hòa bình Ukraine của Trung Quốc" và cho rằng phương Tây cần nghiêm túc hơn trong tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.

Tổng thống da Silva cũng thúc đẩy tầm nhìn chung về một thế giới đa cực trong chuyến thăm Trung Quốc. Dừng chân tại Thượng Hải, ông kêu gọi đưa đồng tiền của hai nước đóng vai trò trung tâm hơn trong thương mại toàn cầu. "Mỗi đêm tôi đều tự hỏi tại sao mọi quốc gia lại cần giao dịch bằng USD", ông nói.

People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin Tổng thống Brazil còn gọi Trung Quốc là "động lực không thể thiếu trong chính trị, kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ toàn cầu". Ông nói thêm rằng Brazil "cam kết xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc từ góc độ chiến lược nhằm định hình một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng".

Trước khi rời Trung Quốc, Tổng thống da Silva cho rằng Washington mới là bên muốn kéo dài xung đột ở Ukraine, đồng thời hối thúc Mỹ và EU tập trung thúc đẩy hòa bình. Bình luận của ông lặp lại quan điểm từ Bắc Kinh rằng việc Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine khiến xung đột kéo dài.

3 Ong Tap No Luc Nang Vi The Ngoai Giao Trung Quoc

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 14/4. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Tập cũng thể hiện quan điểm rằng ông coi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga là trọng tâm trong nỗ lực chống lại trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt.

Khi bắt đầu nỗ lực ngoại giao gần đây, ông chọn công du Nga để một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ khó tách rời giữa hai nước. Rời tiệc chiêu đãi cấp nhà nước với Tổng thống Putin, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua. "Hãy cùng nhau thúc đẩy những thay đổi đó", ông nói với Tổng thống Nga và nhận được cái gật đầu của ông chủ Điện Kremlin.

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày