Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trải qua tháng tư nóng chưa từng thấy

Nắng nóng ở châu Á: Nhà chức trách hôm 28/4 cho biết Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4, khi cả hai quốc gia trải qua đợt nắng nóng sớm bất thường.

1 Tay Ban Nha Bo Dao Nha Trai Qua Thang Tu Nong Chua Tung Thay

Một cánh đồng cỏ bị nứt nẻ do hạn hán ở Ronda, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.

Nhiệt độ thiêu đốt đã khiến giới chức các nước đưa ra cảnh báo về nguy cơ cháy rừng cao. Điều kiện hạn hán ngày càng tồi tệ cũng khiến một số nông dân ở Tây Ban Nha không gieo hạt trong năm nay.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ khởi động chiến dịch giám sát cháy rừng vào hôm 28/4 - sớm hơn một tháng rưỡi so với thường lệ do nhiệt độ khắc nghiệt đến sớm.

Trong tuyên bố, Bộ Nội vụ nước này cho biết động thái trên sẽ liên quan đến việc bổ sung nhân sự tiếp viện cho các đội chữa cháy địa phương và "liên tục theo dõi những vụ cháy rừng" trên toàn quốc.

Cho đến nay, các đám cháy đã tàn phá khoảng 54.000 ha đất ở Tây Ban Nha, cao hơn nhiều so với hơn 17.000 ha trong cùng thời điểm năm 2022, theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu.

Trong khi đó, ở Bồ Đào Nha, nhà chức trách đã tuyên bố 3 đô thị ở khu vực phía nam Algarve có nguy cơ cháy rừng cao nhất.

"Chưa bao giờ trải nghiệm điều này"

"Chúng tôi đã xem xét tình hình và dự đoán thời tiết sẽ ấm nhưng tôi không ngờ trời lại nóng như vậy", du khách Brad DePolli nói với Reuters tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Theo chính quyền vùng Andalusia, khoảng 80.000 người sống ở Alcaracejos và 27 ngôi làng khác ở tỉnh Cordoba, Tây Ban Nha, phụ thuộc vào nước uống vận chuyển bằng xe tải, vì hạn hán đã làm cạn kiệt hồ chứa gần đó và nước từ một con đập khác không an toàn để sử dụng.

"Tôi chưa bao giờ trải nghiệm điều này trước đây", cư dân địa phương Mari Carmen nói với Reuters sau khi đổ đầy chai của mình.

Liên đoàn Thủy văn Guadalquivir chứng nhận vào đầu tháng này rằng nước ở dãy núi Sierra Boyera đã cạn kiệt, lần đầu tiên sau 40 năm một hồ chứa ở Cordoba cạn kiệt.

Năm ngoái, Tây Ban Nha được cho là đã trải qua một năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu được ghi nhận. Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy gần 75% đất đai của nước này dễ bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu.

2 Tay Ban Nha Bo Dao Nha Trai Qua Thang Tu Nong Chua Tung Thay

Một người đàn ông bên ngoài 'caseta' (lều nơi phục vụ đồ ăn và thức uống) trong Hội chợ truyền thống ở Seville, Tây Ban Nha. Ảnh: AP.

Các hồ chứa nước chỉ còn một nửa công suất trên toàn quốc và hiệp hội nông dân COAG cho biết 60% đất nông nghiệp đang "nghẹt thở" vì thiếu mưa.

Washington Post nhận định sức nóng ở Tây Ban Nha và các khu vực xung quanh bị khuếch đại bởi một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở khu vực này. Hạn hán đã diễn ra ở các vùng của Tây Ban Nha trong 5 năm, khiến 27% quốc gia rơi vào tình trạng khẩn cấp hạn hán, theo AP.

Tây Ban Nha là nước xuất khẩu dầu ô liu lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp trái cây, rau quả chính ở châu Âu.

Paqui Doblas, quản lý một khách sạn nhỏ ở thành phố ven biển phía nam Malaga, cho biết nguồn cung cấp nước trong khu vực đang cạn kiệt nhanh chóng, ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại trái cây như bơ và xoài.

Bà Doblas cho biết nhiều người ở Malaga từng phải sống với tình trạng thiếu nước trong quá khứ, vì vậy đã tiết kiệm nước để đề phòng đợt nắng nóng. Nhưng bà ước chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa hơn.

“Tôi cảm thấy chúng tôi hơi giống dàn nhạc trên tàu Titanic”, bà nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times. “Con tàu chìm nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chơi”.

Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đang thúc đẩy cường độ và tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn sóng nhiệt, hạn hán và cháy rừng.

Theo: ZING.VN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày