Người Đông và Tây Đức ngày càng "lệch pha"

Gần 20 năm sống dưới mái nhà chung của nước Đức thống nhất, người dân miền Đông và miền Tây ngày càng “lệch pha” với nhau. Có rất nhiều vấn đề được hiểu hoàn toàn trái ngược, tùy theo đặc điểm vùng miền.

 

Sừng sững bức tường tâm lý 

Bức tường Berlin bằng bê tông đã sụp đổ cách đây gần 20 năm (ngày 9/11/ 1989) nhưng còn đó sừng sững bức tường tâm lý ngăn cách người Đông và Tây Đức.

Tờ Deutsche Welle dẫn số liệu điều tra của Viện Goethe ở Frankfurt cho biết: Người Đông Đức vẫn cảm nhận mình bị phân biệt đối xử trong việc phân chia lợi ích so với dân Tây Đức. Trong khi đó người miền Tây lại coi thái độ phân biệt này là sự kích thích nỗ lực vươn lên cho người miền Đông. 

Giáo sư tâm lý xã hội Rolf Haubl, tác giả công trình điều tra nói trên, nhận xét rằng sự khác biệt về nhận thức của người Đông và Tây Đức về đề xuất áp dụng thuế đánh vào người giàu mang tính biểu tượng. Trong khi người miền Tây xem đây là biểu hiện của thái độ đố ky xã hội thì người miền Đông lại coi đó là sự công bằng. 

Người Đông và Tây Đức ngày càng lệch pha - 0

Bức tường Bá Linh được dựng lại bằng hàng ngàn những chiếc đèn lồng trắng , là một phần của dự án "Lichtgrenze 2014" để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh ngày 09 Tháng 11 năm 2014 - Ảnh AFP

Nhà phân tích tâm lý Gunter Jerouschek nhận xét rằng dân Tây Đức có định kiến nhiều hơn đối với những người đồng bào từ “phía bên kia”, trong khi đó dân Đông Đức có đầu óc thoáng hơn. Song, điều đáng ngạc nhiên theo Jerouschek là nỗi e dè, nghi ky lẫn nhau lan tràn không chỉ trong số những người lớn tuổi, sinh ra và lớn lên tại hai nước Đức đối địch, mà cả ở thế hệ trẻ.

Ví dụ điển hình là phần lớn thanh niên Tây Đức không muốn học tại các trường đại học Đông Đức cho dù điều kiện ở đây nhiều khi tốt hơn. Thái độ định kiến nơi người Tây Đức được nuôi dưỡng bằng cảm nhận về sự ưu việt ảo của bản thân so với những người anh em phía Đông từ thời Chiến tranh lạnh. Đáp lại, người miền Đông thường nhớ về thời kỳ CHDC Đức với sự nuối tiếc. 

 

Người nước ngoài sống ở CHLB Đức cảm nhận rõ hơn “sự khác biệt vùng miền” ở quốc gia này so với dân bản địa. Một người ngoại quốc viết cảm tưởng của mình về nước Đức trên blog như sau: “Khi bức tường Berlin sụp đổ, dân tộc Đức vẫn chỉ là một, nhưng nó được cấu thành từ hai phần khác nhau. Tôi sống 4 tháng tại Đông Đức và một thời gian ở Tây Đức. Tôi gặp gỡ người Đức ở cả hai miền. Cho đến nay họ vẫn tách biệt nhau và có lẽ điều đó còn diễn ra lâu dài. Định kiến dai dẳng nhất là sự phân chia về mặt tư tưởng. Một số người Tây Đức có thái độ kỳ thị người Đông Đức, cho rằng họ “ăn bám” mình. Người Tây Đức gần như phủ nhận những thành tựu to lớn về khoa học - kỹ thuật của CHDC Đức trước đây”. 

Hoài niệm của người Đông Đức 

Càng xa thời điểm tái thống nhất hai miền (ngày 3/10/1990) thì nhiều người dân Đông Đức càng ghi nhận những mặt tích cực của nước CHDC Đức trước đây hơn. Trong họ dày lên nỗi hoài niệm về thời kỳ mọi người sống bình đẳng, ai cũng có việc làm, được học hành miễn phí, được phân chia căn hộ... ở Đông Đức. 

Cuộc thăm dò dư luận của Viện xã hội học Infratest Dimap cho thấy một nửa số người được hỏi muốn quay trở lại với những thành tựu kinh tế - xã hội của CHDC Đức trước đây.

Tại các bang miền Đông, có tới 84% số người được hỏi giữ hoài niệm sâu sắc về quá khứ. Nhiều người trong số họ không hài lòng về việc ngân sách quốc gia hiện nay ít được đầu tư cho các bang miền Đông, khiến tình hình kinh tế - xã hội ở đây thua kém miền Tây, tỷ lệ thất nghiệp trong những người trẻ tuổi ở Đông Đức cũng cao hơn... 

Trong dịp kỷ niệm ngày tái thống nhất đất nước, các kênh truyền hình Đức tràn ngập những hình ảnh về CHDC Đức trước đây, những bài hát, bản nhạc cũ được phát đi phát lại. 

Trong khi đó, học sinh phổ thông và sinh viên của CHLB Đức hiện tại hiểu rất ít về các bang miền Đông từ năm 1990 trở về trước. Để khắc phục tình trạng này, người ta đã làm ra trò chơi đố vui “Ossiquiz” trên mạng với 700 câu hỏi về đời sống thường nhật ở CHDC Đức trước đây.

Hiện nay trò chơi có thưởng này rất phổ biến, mỗi ngày đón hàng chục nghìn lượt truy cập.

Vào trang www.ossiquiz.de, những người trẻ tuổi có thể thử sức mình trước những câu hỏi đại loại như: Câu gì ghi trong trang đầu của thẻ đội viên thiếu niên tiền phong CHDC Đức? Chiếc xe hơi bé tẹo sản xuất ở CHDC Đức cách đây gần nửa thế kỷ gọi là gì, có mấy cánh cửa?... 

Các nhà xã hội học và nghiên cứu lịch sử rất lo ngại trước tình trạng thanh niên Đức hiểu lơ mơ về lịch sử nước nhà cũng như sự tách biệt không đáng có của hai miền sau gần 19 năm thống nhất.

Nguồn: thethaovanhoa.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày