'Đường hầm tử thần' gióng hồi chuông cảnh tỉnh với Hàn Quốc

Vụ nước lũ nhấn chìm hầm đường bộ khiến 14 người chết đã cho thấy tác động nguy hiểm và cấp bách của biến đổi khí hậu với Hàn Quốc.

Bộ Nội vụ Hàn Quốc đêm 17/7 thông báo kết thúc chiến dịch tìm kiếm cứu nạn trong hầm đường bộ ở thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong, sau khi thi thể nạn nhân thứ 14 được đưa ra khỏi hiện trường ngập nước.

Đường hầm dài 685 m ở Osong, thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong bị nhấn chìm hôm 15/7, khi nước sông Miho gần đó tràn bờ do mưa lớn suốt nhiều ngày. Giới chức Hàn Quốc đang mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm kịch, trong khi Tổng thống Yoon Suk-yeol cho rằng thiệt hại về người bắt nguồn từ sai lầm của chính quyền địa phương khi không triển khai đủ biện pháp an toàn để cảnh báo người dân.

1 Duong Ham Tu Than Giong Hoi Chuong Canh Tinh Voi Han Quoc

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong vụ ngập hầm đường bộ ở thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong, Hàn Quốc, hôm 16/7. Ảnh: Reuters

Theo giới chuyên gia, thảm kịch trong "đường hầm tử thần" ở Osong là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Hàn Quốc. Biến đổi khí hậu đang bắt đầu gây thiệt hại đáng kể cho quốc gia này, nơi gần đây vẫn tránh được một số hiện tượng thời tiết cực đoan mà các nước khác trong khu vực đã hứng chịu.

Khi mới chỉ bước qua nửa mùa mưa năm nay, Hàn Quốc đã nhận lượng mưa nhiều hơn tổng lượng mưa trung bình cho cả giai đoạn này trong quá khứ.

Tổng thống Yoon cho biết ông sẽ "xem xét lại hoàn toàn" cách ứng phó với thời tiết khắc nghiệt của đất nước vì những thảm kịch như vừa xảy ra ở Osong "ngày càng trở nên phổ biến hơn". "Chúng ta phải chấp nhận thực tế là biến đổi khí hậu đang diễn ra và đối phó với nó", ông nói.

Mùa mưa ở Hàn Quốc thường diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8. Trong gần 40 năm sống ở làng Edam, cách Osong khoảng một giờ lái xe, ông Song Du-ho, 87 tuổi, đã quen với những biến động thời tiết khi mùa gió mùa tràn về.

Nhưng ông chưa từng chứng kiến trận mưa nào lớn như vậy vào cuối tuần qua, khiến các con sông dâng cao và đất đá sạt lở, chôn vùi nhiều ngôi nhà, giết chết hàng chục người. Diễn biến thời tiết bất thường khiến ông không khỏi bàng hoàng.

Nhà của lão nông bị ngập sau khi trận mưa xối xả hôm 15/7 khiến nước tràn qua con đập vốn lâu nay đã bảo vệ rất tốt ngôi làng ở tỉnh Bắc Chungcheong. Nước đã ngập đến thắt lưng khi nhân viên cứu hộ đến tìm vợ chồng ông lúc nửa đêm hôm đó.

"Sẽ là nói dối nếu bảo rằng tôi không sợ hãi khi nước tràn vào. Tôi có thể đã chết", ông cho hay.

Giờ đây, ông ngồi bên hiên nhà, mắt nhắm suy nghĩ làm thế nào để xử lý "bãi chiến trường" xung quanh mình sau khi nước lũ rút. Bên trong ngôi nhà một tầng, nền nhà nứt nẻ, còn đồ đạc ngấm nước chất cao đến tận mái.

Ông Song biết rằng để sửa lại ngôi nhà bị nước lũ nhấn chìm sẽ mất nhiều công sức và có lẽ nằm ngoài khả năng. "Tôi gần 90 tuổi rồi", ông nói trong tuyệt vọng. "Tôi phải làm gì? Tôi sẽ đi đâu? Những người già như chúng tôi chỉ biết bám trụ tới cùng ở nơi mình đang sống".

2 Duong Ham Tu Than Giong Hoi Chuong Canh Tinh Voi Han Quoc

Ông Song Du-ho ngồi bên hiên nhà tại làng Edam sau khi cơn lũ đã đi qua. Ảnh: BBC

Người Hàn Quốc chưa quen với việc đối phó với những tác động của hiện tượng Trái Đất nóng lên và với dự báo lượng mưa sẽ còn lớn hơn, nguy hiểm vẫn rình rập. Đối với những người dân ở làng Edam, gió mùa giờ đây không còn là một phần bình thường của mùa hè nữa mà là một điều gì đó vô cùng đáng sợ.

Một năm sau khi Hàn Quốc tuyên bố tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, các chuyên gia nhận định chính phủ nước này vẫn chưa làm đủ.

Jeong Chang-sam, giáo sư thủy lợi tại Đại học Induk ở Seoul, cho biết chính sách phòng ngừa là điều tối quan trọng để giảm thiểu thiệt hại cả về người lẫn vật chất trong các thảm họa thiên tai, nhưng chúng thường bị bỏ qua vì lợi ích không được thể hiện rõ ràng và ngay lập tức với các chính trị gia và quan chức chính phủ.

"Mọi người thích dùng những từ đao to búa lớn như phản ứng nhanh, khắc phục khẩn cấp..., nhưng thảm họa khí hậu đã và đang diễn ra", ông nói. "Nếu chi tiền vào các dự án phòng ngừa, bạn có thể đối phó với những diễn biến bất ngờ của thời tiết với chi phí chỉ bằng một nửa so với nỗ lực khắc phục hậu quả".

Jeong lấy ví dụ về kế hoạch lắp đặt rào chắn điều khiển từ xa tại các hầm đường bộ sau trận lũ ở Busan vào năm 2020 khiến ba người thiệt mạng vì bị mắc kẹt trong nước lũ. Kế hoạch này đến nay vẫn chưa được triển khai ở nhiều khu vực dễ bị lũ quét, trong đó có Cheongju.

Một nghiên cứu năm 2020 của Cục Khí tượng Hàn Quốc cho thấy thiệt hại tài sản và nhân mạng do thời tiết khắc nghiệt đã tăng gấp ba lần so với mức trung bình hàng năm của thập kỷ trước.

Jung Ki-cheol, kỹ sư thủy văn tại Viện Môi trường Hàn Quốc, cho hay lượng mưa trung bình hàng năm sẽ không tăng đột ngột từ năm 2021 đến năm 2040, nhưng số lượng "những trận mưa lớn" đã tăng do biến đổi khí hậu.

"Thiệt hại do lũ lụt sẽ tiếp tục tăng lên do không chỉ lượng mưa lớn mà số ngày mưa cũng nhiều hơn", ông cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 12 năm ngoái.

Theo chuyên gia Jeong từ Đại học Induk, trước những thiên tai như lũ lụt, giới chức Hàn Quốc vẫn hành động quá chậm và chưa thể xây dựng được một hệ thống cảnh báo cư dân hoạt động hiệu quả khi thảm họa có nguy cơ xảy ra.

Lee Su-gon, cựu giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Seoul, ước tính có "hơn một triệu địa điểm" trên khắp Hàn Quốc dễ bị sạt lở đất, nhưng chỉ 1/10 trong số đó được chính quyền giám sát.

Theo ông, chính quyền các địa phương cũng tập trung nhiều hơn vào công tác phục hồi thay vì phòng ngừa thiên tai. "Chính quyền các địa phương Hàn Quốc thường sử dụng 30% ngân sách ứng phó thiên tai cho biện pháp phòng ngừa, 70% cho khắc phục hậu quả sau thảm họa", ông nói. "Trong khi đó, các nước tiên tiến làm ngược lại, ưu tiên phòng ngừa hơn phục hồi".

3 Duong Ham Tu Than Giong Hoi Chuong Canh Tinh Voi Han Quoc

Tài xế Hàn Quốc kể giây phút thoát khỏi dòng lũ tử thần ở hầm đường bộ

Tài xế Park Jong-sun nói chỉ cần ra khỏi đường hầm chậm một chút, anh sẽ không thể thoát kịp khi 60.000 tấn nước sông nhấn chìm nó. 

4 Duong Ham Tu Than Giong Hoi Chuong Canh Tinh Voi Han Quoc

Hàn Quốc tìm thấy thi thể cuối cùng trong vụ ngập hầm

Lực lượng cứu hộ Hàn Quốc đưa thi thể cuối cùng ra khỏi hầm đường bộ ngập nước ở Cheongju, cho biết tổng cộng 14 người đã thiệt mạng. 

5 Duong Ham Tu Than Giong Hoi Chuong Canh Tinh Voi Han Quoc

Hàn Quốc tranh cãi về vụ 13 người chết đuối trong hầm đường bộ

Giới chức vùng Osong hứng chỉ trích vì không ứng phó phù hợp khi nước lũ tràn ngập một đường hầm, khiến 13 người thiệt mạng.  11

Vũ Hoàng (Theo BBCSCMP)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày