Lưới phòng không giúp Israel đối phó hơn 300 UAV, tên lửa Iran

Israel sở hữu lưới phòng không đa tầng, đồng thời được Mỹ và đồng minh hỗ trợ, giúp họ đánh chặn phần lớn đòn tập kích bằng UAV, tên lửa của Iran.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đêm 13/4 phóng hơn 170 máy bay không người lái (UAV), 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình nhằm vào nhiều mục tiêu ở Israel để đáp trả vụ không kích tòa lãnh sự Iran tại Syria hồi đầu tháng.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã cùng các đối tác đánh chặn thành công 99% vũ khí Iran được Iran sử dụng. Tuyên bố này dường như nhằm thể hiện sức mạnh của lưới phòng thủ đa tầng đang bảo vệ nước này trước những mối đe dọa đường không.

Lớp phòng thủ tầm xa nhất dường như là hai tàu khu trục Mỹ trang bị hệ thống chiến đấu Aegis đang hiện diện ở phía đông Địa Trung Hải và loạt tiêm kích đồn trú ở Trung Đông. Quan chức Lầu Năm Góc nói rằng lực lượng này đã bắn hạ 70 UAV và 3 tên lửa đạn đạo, nhưng không tiết lộ loại vũ khí tham chiến.

1 Luoi Phong Khong Giup Israel Doi Pho Hon 300 Uav Ten Lua Iran

Tên lửa SM-6 phóng từ tàu chiến Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2014. Ảnh: US Navy

Tàu khu trục Mỹ triển khai ở khu vực thường mang tên lửa phòng không tầm xa SM-2 với tầm bắn 160 km, có mức giá hai triệu USD mỗi quả. Ngoài ra, chiến hạm Mỹ còn được trang bị tên lửa tầm xa SM-6, còn có tên gọi RIM-174A ERAM, với khả năng đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 240-340 km.

Các chiến hạm Mỹ từng nhiều lần khai hỏa tên lửa SM-2 và SM-6 để đánh chặn UAV, tên lửa đạn đạo của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.

Trong khi đó, chiến đấu cơ hạng nặng F-15E đóng quân ở Trung Đông và tiêm kích hạm F/A-18E/F trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower cũng có thể được huy động để đánh chặn UAV, nhằm tiết kiệm chi phí và giảm tải cho hệ thống phòng không trên tàu khu trục.

Quan chức Israel nói rằng Pháp cũng tham gia chặn đòn tập kích của Iran, nhưng không nêu chi tiết.

Ngoài sự hỗ trợ của đồng minh, quân đội Israel cũng sở hữu mạng lưới phòng không uy lực, có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu như tên lửa đạn đạo ở ngoài khí quyển và tên lửa hành trình bay thấp.

Lá chắn tầm xa nhất của Tel Aviv hiện nay là các tổ hợp tên lửa phòng không Arrow, được phát triển từ giữa thập niên 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran với tổng chi phí hàng tỷ USD.

2 Luoi Phong Khong Giup Israel Doi Pho Hon 300 Uav Ten Lua IranIsrael đánh chặn tên lửa Iran bên ngoài khí quyển

Hiện đại nhất trong số này là tổ hợp Arrow 3 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và Boeing của Mỹ phối hợp phát triển, được chế tạo từ năm 2017 và thực chiến lần đầu hồi cuối năm 2023. Hệ thống này được cho là có tầm bắn 2.400 km và hạ được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km, trước khi chúng bắt đầu lao xuống mục tiêu và trở nên khó đánh chặn hơn.

Đầu đạn Arrow 3 không sử dụng thuốc nổ, song có khả năng cơ động cao để đón đầu và phá hủy mục tiêu bằng động năng, kết hợp cảm biến quang học để tăng độ chính xác khi lao tới đích. Điều này cho phép Arrow 3 hạ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, sinh học và hóa học mà không gây nguy hiểm cho mặt đất.

Phiên bản Arrow 2 cũ hơn được tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo ở pha cuối, khi mục tiêu đã trở lại khí quyển. Mỗi quả đạn có tầm bắn khoảng 90 km và độ cao tối đa 52 km, sử dụng đầu nổ phá mảnh để tăng tỷ lệ đánh trúng mục tiêu.

3 Luoi Phong Khong Giup Israel Doi Pho Hon 300 Uav Ten Lua Iran

Tên lửa Arrow 3 được Israel phóng thử hồi năm 2019. Ảnh: BQP Israel

Bên dưới Arrow là tổ hợp David's Sling do hãng Rafael của Israel và Raytheon hợp tác sản xuất, có khả năng bắn hạ tên lửa từ khoảng cách tối đa 300 km. Mỗi khẩu đội David's Sling được trang bị 12 tên lửa Stunner, mỗi quả có giá khoảng một triệu USD, sử dụng cơ chế diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp thay vì mang đầu đạn chứa thuốc nổ.

Điểm đặc biệt nhất của Stunner là đầu dò đa kênh dùng trong pha tiếp cận mục tiêu. Phần đầu tên lửa có hình dạng giống mũi cá heo chứa cảm biến ảnh nhiệt, đầu dò quang - điện và đầu dò radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA). Thiết kế này khiến đối phương rất khó đánh lừa quả đạn Stunner, đồng thời tăng khả năng diệt những mục tiêu khó bám bắt như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tàng hình.

Quân đội Israel từng vận hành 10 khẩu đội tên lửa phòng không MIM-104E, còn gọi là Patriot PAC-2/GEM+, được nâng cấp sâu và sở hữu những tính năng như phiên bản PAC-3 hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, các hệ thống này đang dần được thay thế bằng tổ hợp David's Sling.

Lớp cuối cùng trong lưới phòng không mặt đất của Israel là hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) được triển khai từ năm 2011, đóng nhiệm vụ quan trọng nhất khi đối đầu với các nhóm dân quân phi nhà nước như Hamas và Hezbollah.

Một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.

4 Luoi Phong Khong Giup Israel Doi Pho Hon 300 Uav Ten Lua Iran

Tên lửa phòng không Israel khai hỏa rạng sáng 14/4. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Vòm Sắt được tối ưu để đánh chặn những loại đạn cối, rocket không dẫn đường có tầm bắn ngắn và tốc độ thấp, không phù hợp để đối phó tên lửa đạn đạo và hành trình tầm xa. Nó cũng thường bị quá tải nếu đối mặt với những đòn tập kích sử dụng lượng lớn rocket của đối phương.

Hình ảnh được không quân Israel công bố sáng 14/4 cũng cho thấy các tiêm kích tàng hình F-35I và F-15I trở về căn cứ "sau khi thực hiện thành công nhiệm vụ đánh chặn và phòng không", cho thấy chúng cũng được điều động để đánh chặn UAV tầm xa do Iran triển khai.

Vũ Anh (Theo CNN, CBS News)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày