Pháp, Nhật đóng cửa sứ quán ở Sudan

Pháp và Nhật Bản đóng cửa sứ quán ở Sudan do lo ngại về an ninh, sau khi Mỹ và một số nước có động thái tương tự.

Bộ Ngoại giao Pháp hôm 24/4 thông báo sứ quán ở thủ đô Khartoum của Sudan sẽ đóng cửa "cho đến khi có thông báo mới", nhấn mạnh đây sẽ không còn là điểm tập trung những người nước ngoài đang cố rời khỏi quốc gia xảy ra xung đột.

Pháp đã sơ tán 491 người từ 36 quốc gia, trong đó có 12 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), đến Djibouti kể từ hôm 23/4. Nhóm được sơ tán cũng bao gồm cả hai người Hy Lạp và một người Bỉ bị thương, các đại sứ Đức và Thụy Sĩ. Công dân Pháp ở Djibouti sẽ trở về Pháp trong những ngày tới.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp nói thêm rằng họ không thể tiếp cận được một số ít công dân sống bên ngoài thủ đô Khartoum. Pháp hiện phối hợp với cả hai bên trong xung đột để đảm bảo sơ tán thành công.

Quân đội chính phủ Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy kiểm soát sân bay, trong khi nhiều người cần được sơ tán đang ở khu vực do nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) kiểm soát.

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Emmanuel Macron "có thể trao đổi với tướng Burhan để có đảm bảo cần thiết nhằm sơ tán công dân bằng đường hàng không. "Tổng thống cũng sẽ giữ liên lạc với các bên liên quan trong khu vực những ngày tới để đóng góp cho nỗ lực hòa bình", Văn phòng nêu thêm.

1 Phap Nhat Dong Cua Su Quan O Sudan

Công dân Pháp và các nước khác lên vận tải cơ tại căn cứ không quân Pháp ở Khartoum để đến Djibouti hôm 23/4. Ảnh: AFP

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida thông báo nước này đã sơ tán 45 công dân và người thân của họ khỏi Sudan.

"Họ được sơ tán từ miền đông Sudan đến Djibouti trên vận tải cơ C2 do quân đội Nhật Bản điều động", ông Kishida nói với phóng viên hôm nay, thêm rằng 4 người Nhật khác cũng đã có thể di chuyển từ Sudan đến Djibouti, Ethiopia với sự giúp đỡ của Pháp và các tổ chức quốc tế.

Vài giờ sau, Ngoại trưởng Nhật Bản thông báo đại sứ quán ở Sudan đã đóng cửa, sau khi nhân viên ngoại giao đã được sơ tán.

Nhật Bản cho biết có khoảng 60 công dân Nhật ở Sudan. Bộ Ngoại giao sẽ thành lập văn phòng liên lạc ở Djibouti để tiếp tục giúp đỡ những người Nhật Bản còn lại ở Sudan sơ tán.

Trước đó, một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Ba Lan và Thụy Sĩ cũng đã đóng cửa sứ quán ở Sudan cho đến khi có thông báo mới.

Tại Ai Cập, Bộ Ngoại giao hôm 24/4 cho biết trợ lý tùy viên hành chính tại đại sứ quán nước này ở Khartoum đã thiệt mạng do giao tranh. "Muhammad El Gharrawi chết khi đang lái xe đến đại sứ quán để giám sát thủ tục sơ tán người Ai Cập bị mắc kẹt ở Sudan", bộ này cho hay.

Quân đội Sudan ban đầu nói rằng trợ lý tùy viên quân sự của Ai Cập thiệt mạng, sau đó sửa thành trợ lý tùy viên hành chính thiệt mạng do hỏa lực của RSF.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Ai Cập, có dân số gần 48 triệu người. Xung đột bất ngờ nổ ra giữa quân đội Sudan và RSF từ ngày 15/4 sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 420 người đã thiệt mạng và 3.700 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai phe phái, khiến tình hình nhân đạo ở quốc gia này ngày càng trở nên tồi tệ. Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 20.000 người Sudan phải chạy trốn khỏi các khu vực giao tranh và xin tị nạn ở nước láng giềng Chad.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thông báo sau hai ngày đàm phán căng thẳng, các phe tham chiến ở Sudan đã đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ, bắt đầu từ 25/4. Hai bên đã không tuân thủ một số thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trước đó.

Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày