Thụy Điển nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập NATO

Ngoại trưởng Thụy Điển tuyên bố nước này sẽ chấm dứt liên hệ với lực lượng dân quân người Kurd để được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom ngày 5/11 thừa nhận Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (YPG), phong trào dân quân vũ trang người Kurd tại Syria, cùng nhánh hoạt động chính trị đảng Liên hiệp Dân chủ (PYD) có liên hệ mật thiết với đảng Công nhân người Kurd (PKK), phong trào ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Billstrom nhấn mạnh Stockholm ưu tiên tạo quan hệ tốt đẹp với Ankara và sẵn sàng chấm dứt liên hệ với YPG. "Mục tiêu chính của Thụy Điển là trở thành thành viên NATO", ông nói.

Thụy Điển cùng một số quốc gia NATO trong những năm qua ủng hộ YPG nhằm giải quyết mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cảnh báo ngăn cản Thụy Điển tham gia NATO nếu còn tiếp tục ủng hộ lực lượng này.

Ankara luôn cho rằng YPG và PYD là những lực lượng trực thuộc PKK, tổ chức người Kurd vào năm 1980 đã chuyển sang sử dụng bạo lực vũ trang với mục tiêu ly khai. Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều liệt PKK vào danh sách khủng bố.

1 Thuy Dien Nhuong Bo Tho Nhi Ky De Gia Nhap Nato

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Brussels, Bỉ, hôm 20/10. Ảnh: Reuters.

Ông Billstrom công bố chính sách mới về quan hệ với YPG trước thềm chuyến công du của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đến Ankara, dự kiến diễn ra ngày 8/11. Tân thủ tướng 58 tuổi muốn thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.

Hôm 4/11, trong cuộc thảo luận với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Istanbul, Tổng thống Erdogan tiếp tục cảnh báo không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh nếu hai nước Bắc Âu không thực hiện đúng những cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara trước đó cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan cung cấp nơi ẩn náu cho một số "phần tử khủng bố" tham gia phong trào ly khai người Kurd.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh quá trình phê chuẩn thư mời gia nhập NATO nhanh hay chậm "sẽ tùy vào những bước đi tiếp theo của Phần Lan và Thụy Điển".

Trong khi đó, ông Stoltenberg hoan nghênh hai nước Bắc Âu "đang có những động thái cụ thể và đáng kể để thực thi bản ghi nhớ" với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh viễn cảnh Phần Lan cùng Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp liên minh thêm vững mạnh, đồng thời gửi thông điệp răn đe hiệu quả đến Nga.

Thụy Điển cùng Phần Lan gửi đơn xin gia nhập NATO từ giữa năm nay, thúc đẩy bởi lo ngại an ninh sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ. Trong số 30 thành viên NATO, 28 chính phủ đã "bật đèn xanh" cho hai nước Bắc Âu, với hai nước chưa chấp thuận là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Quy định kết nạp thành viên mới của NATO yêu cầu đồng thuận tuyệt đối từ tất cả thành viên.

2 Thuy Dien Nhuong Bo Tho Nhi Ky De Gia Nhap Nato

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày